Chồng tôi mất đã 3 năm. Tôi sống một mình trong căn nhà nhỏ, bốn bề phủ kín cây cà phê. Căn nhà được xây từ năm con trai lớn của tôi được 20 tuổi. Tuổi của căn nhà cũng đã 15 năm nên bắt đầu xuống cấp.

Con trai tôi học sư phạm, hiện làm giáo viên ở TP.HCM. Đi làm mấy năm, con lấy vợ và chấp nhận ở rể. Vợ chồng tôi không có tiền hỗ trợ con mua nhà riêng, nên không dám đòi hỏi con trai và con dâu quan tâm. Một năm, gia đình con trai về thăm quê được khoảng 3 lần.

Từ trước đến nay, vợ chồng con trai chưa lần nào đề cập chuyện về quê hoặc đưa tôi lên thành phố sống chung. Dù vậy, tôi xác định thân già tự lo. Sức khỏe của tôi không đến nỗi yếu ớt bệnh tật. 

Tuy nhiên, cuộc sống không ai nói trước được điều gì, nhìn thì khỏe đó nhưng rồi nằm xuống lúc nào không hay. Mấy bữa trước, trời mưa, tôi lọ mọ soi đèn, lùa đàn gà lên chuồng, chẳng may trượt chân, bị bong gân ở chân.

ảnh mẹ già.jpg
Ảnh minh họa: PX

Nhà không có ai, tôi tủi thân ngồi khóc dưới mưa. Khóc hết nước mắt, tôi quơ tay túm lấy thân cây cà phê, gượng người đứng dậy, mò mẫm vào nhà. Chân đau, tôi không thể đạp xe ra chợ mua thuốc bôi nên nhờ đứa cháu họ. Cháu biết tôi ngã, bong gân, liền báo cho con gái của tôi.

Con gái lấy chồng cách nhà tôi 100km, nghe tin liền vội vã một mình chạy xe máy về thăm. Nhìn chân tôi sưng vù, nó khóc nức nở, đòi ngủ lại chăm mẹ. Tôi khuyên con gái về nhà chăm con nhỏ, đừng để nhà chồng phiền lòng. 

Lo thuốc men, cơm nước xong xuôi, con gái chào tôi ra về. Thấy tôi tựa cửa nhìn theo, con bé khóc nức nở. Tôi tủi thân lắm nhưng cố nén, đợi con đi mới khóc. Qua ngày hôm sau, con gái gọi điện, đề nghị tôi về sống chung. Tôi ngại sống với con gái thì con rể không vui. 

Tôi cố từ chối, nhưng con rể lại mở lời: “Mẹ không phải ngại. Chúng con sắp ra ở riêng, hai đứa nhỏ trông cậy vào bà ngoại hết ạ”.

Nếu sang ở chung để tiện chăm cháu giúp con gái thì cũng không đến mức mang tiếng ăn bám. Như vậy, tôi vừa được chơi với cháu, gần con cái, không lo cảnh thân già sớm nắng chiều mưa.

Tôi thấy lời đề nghị của con gái hợp lý. Vì vậy, tôi gọi điện hỏi ý kiến của con trai. Ban đầu, con trai tôi có vẻ chiều ý mẹ nhưng chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, nó gọi lại, nói không đồng ý.

Qua điện thoại, con trai tôi khóc: “Mẹ thương con thì ở yên nhà mình, đừng đi đâu hết. Con mới kể cho vợ con nghe chuyện mẹ định sang nhà em gái sống. Vợ con không đồng ý. Nó còn mắng con, chuyện mất mặt thế mà cũng đồng ý”.

Thì ra, con dâu sợ mang tiếng, lo họ hàng nói con trai tôi bất hiếu. Con trai không nuôi nổi mẹ, phải để em gái lo. Không chỉ vậy, con dâu đoán tôi sẽ bán hết vườn tược, nhà cửa, mang tiền của về lo cho con gái. 

Tôi rất muốn giải thích, nếu có bán nhà cửa, đất đai thì tôi vẫn cho con trai phần hơn. Tôi đâu nỡ lòng nào để con trai sống phận ở rể, nhìn sắc mặt vợ mà sống.

Nhưng rồi, tôi chọn im lặng, không nói, cũng không phân bua. Vì đứng ở góc độ của con dâu, tôi thấy mọi lo lắng đều có cơ sở. Tôi không thể đẩy con trai tôi, một thầy giáo giỏi vào vũng bùn bất hiếu, không nuôi nổi mẹ.

Chắc là, tôi sẽ làm con gái chạnh lòng và giận mẹ nhiều lắm. Nhưng, tôi không còn cách nào khác. Tôi không đủ ích kỷ để sống cho mình.

Khi viết ra những dòng tâm sự này, tôi không mong mọi người trách mắng con trai, con gái của tôi. Tôi chỉ mong không còn người mẹ nào rơi vào hoàn cảnh như tôi.

Độc giả giấu tên