Hình ảnh suối Cửa Tử (thuộc xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) tan hoang sau trận mưa lũ mới đây được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút đông đảo sự chú ý.

Theo đó, trận lũ xảy ra trên địa bàn xã Hoàng Nông vào đêm ngày 12/5 đã khiến nhiều điểm check-in, thác nước đẹp ở khu vực suối Cửa Tử biến mất, đất đá lấp đầy dòng chảy.

Nhiều du khách khi hay tin không khỏi ngỡ ngàng, tiếc nuối vì một điểm đến đẹp, trong lành gần như bị “xóa sổ” do chịu ảnh hưởng từ thiên tai.

Suối Cửa Tử nằm ở xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 45km bắt đầu nổi danh trên bản đồ du lịch Việt từ năm 2019 và dần trở thành địa điểm trekking, trốn nóng lý tưởng ở Thái Nguyên, thu hút nhiều tín đồ ưa xê dịch tới trải nghiệm, khám phá hàng tuần.

Dòng suối nằm ở sườn đông của dãy Tam Đảo, bắt nguồn từ núi cao, len lỏi qua các vách đá tạo thành 7 con thác. Tới đây, du khách lần lượt trải nghiệm các cửa, điểm check-in, thác nước đẹp khác nhau với nhiều hoạt động ngoài trời hấp dẫn như: bơi thuyền, trượt thác, nhảy từ trên cao,…

Xem thêm:   Con trai giết người vì tình, cha mẹ nai lưng gánh hậu họa

Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Nguyễn Văn Tùng – người khai phá và phát triển các sản phẩm du lịch, tour trekking tại suối Cửa Tử cho biết, ở đây có 7 thác, tuy nhiên có 4 ngọn thác đầu là đẹp và nhiều trò chơi nhất.

“Sau trận lũ, các điểm trượt máng, massage, thác Thiên Đường (hay còn gọi là tuyệt tình cốc), thác nhảy (thác Phục Sinh) ở suối Cửa Tử đã bị xóa sổ, đất đá lấp đầy dòng chảy. Riêng cửa 1 vẫn nguyên vẹn, có nước sâu đủ cho khách bơi lội, chèo SUP. Tảng đá vắt ngang suối cũng bị đẩy xô lệch đi”, anh Tùng cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, các tour trekking tháng 5, 6, 7 ở suối Cửa Tử ghi nhận lượng khách đông, gần như kín chỗ. Tuy nhiên, sau sự cố không mong muốn, anh Tùng phải thông báo cho du khách về hiện trạng của dòng suối và hướng giải quyết các tour đã đặt trước.

“Bên mình đang cố gắng xử lý yêu cầu cho khách đã đặt tour tới suối Cửa Tử. Một là, khách đổi sang đi trải nghiệm hiking. Hai là, trường hợp khách không đổi và không đi nữa, bên mình sẽ chuyển hoàn 100% số tiền cho khách trong vòng 14 ngày làm việc”, anh Tùng chia sẻ.

441324629_8077502682271552_8369260228938994185_n.jpg
Khu vực cửa 3 (hay còn gọi Tuyệt tình cốc) cũng gần như bị “xóa sổ”, tan hoang sau ảnh hưởng từ thiên tai (Ảnh: Tùng Núi)

Việc suối Cửa Tử bị “xóa xổ” sau mưa lũ không chỉ khiến những người làm du lịch tại đây gặp khó mà còn để lại nhiều nuối tiếc cho du khách, nhất là những ai chưa có cơ hội khám phá nơi đây.

Bạn Thùy Linh, du khách đến từ Hà Nội từng trải nghiệm trekking 4 cửa ở suối Cửa Tử bày tỏ sự tiếc nuối khi hay tin nơi đây bị “xóa sổ” bởi thiên tai.

“Mình không còn nhận ra con suối tuyệt đẹp từng ghé thăm ngày nào nữa. Thiên nhiên có thể ban tặng con người tất cả những gì đẹp đẽ nhất nhưng cũng có thể lấy đi hết chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi mà thôi. Mình có buồn và hụt hẫng, chỉ mong các trận mưa lũ tới có thể trả lại cảnh quan thiên nhiên trở về như ban đầu”, Thùy Linh chia sẻ.

“Nhìn cảnh tan hoang sau mưa lũ mà mình không nhận ra con suối Cửa Tử mà bản thân từng đến. Những hình ảnh đẹp giờ cũng chỉ còn là kỉ niệm thôi. Mong rằng các đợt mưa tới sẽ xoáy hết sỏi đá, trả lại suối trạng thái ban đầu để du khách có thể ghé thăm, tham gia các hoạt động giải nhiệt thú vị”, bạn Thu Hằng, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ.

“Các điểm trượt máng, nhảy thác, bơi ở cửa 3, điểm massage lưng đã trở thành suối. Mình nghĩ không thể khắc phục được trong thời gian ngắn, nhưng vẫn hi vọng mọi thứ sẽ trở lại được như ban đầu để du khách có một nơi trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên tuyệt vời như trước đây”, anh Hoàng Nam chia sẻ.

Được biết, ở quanh khu vực suối Cửa Tử hiện vẫn khai thác một số sản phẩm, dịch vụ du lịch khác cho du khách trải nghiệm. Hiện chỉ có cung trekking 3 thác tạm khép lại, còn các trải nghiệm hiking ở cửa 1 vẫn diễn ra bình thường.

Ngoài ra, du khách có thể kết hợp ghé thăm nông trại, homestay của người địa phương, trải nghiệm bể bơi nước mạch ngầm, tham gia work shop về làm trà, pha trà, làm đồ uống thủ công hay trồng rau, trồng hoa…

Phan Đậu