Chồng cũ thu nhập tiền tỷ vẫn ‘quỵt’ 1,3 triệu đồng cấp dưỡng nuôi con

Chồng cũ thu nhập tiền tỷ vẫn 'quỵt' 1,3 triệu đồng cấp dưỡng nuôi con

Sau ly hôn, đã rất nhiều lần chị Diễm phải mở miệng đòi chồng cũ tiền cấp dưỡng nuôi con. Nhưng rồi, chị phải bỏ cuộc khi ông bố giàu có quyết… quỵt.

Nhắc đến hành trình đòi tiền cấp dưỡng nuôi con từ chồng cũ, chị Trần Ngọc Diễm, 39 tuổi, ở quận 7, TPHCM lại uất ức. 

Ly hôn 8 năm trước, chị được giao quyền nuôi con. Khi hai bên thỏa thuận, yêu cầu được nhận trợ cấp nuôi con 2 triệu mỗi tháng của người vợ bất thành khi ông chồng chỉ đồng ý cấp 1,3 triệu đồng/tháng. 

Nhiều người mẹ ngậm ngùi sau ly hôn vì chồng cũ trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con (Ảnh minh họa).

Ly hôn, cứ tưởng mọi thứ giữa hai người chấm dứt, chỉ còn duy trì mối quan hệ ở vị trí người cha người mẹ có trách nhiệm cùng chăm sóc con chung. Nhưng một thời gian dài người phụ nữ vẫn phải dây dưa với chồng cũ vì chuyện tiền nuôi con. 

Chị Diễm nhớ như in, được 3 tháng đầu chồng cũ gửi tiền cho con đúng hạn. Sau đó chẳng thấy động tĩnh gì, im re cả mấy tháng liền, chị buộc phải nhắn tin hỏi. Cứ vậy, chị nhắc thì ông bố gửi tiền cho con, còn không thì xem như không hay không biết. Mỗi lần chị hỏi, người đàn ông lại ca điệp khúc “con mẹ suốt ngày chỉ tiền”. 

Có lần 8 tháng liền không thấy chồng cũ gửi tiền trợ cấp nuôi con, chị nhắc thì  chỉ nhận được… 7 tháng kèm lời chửi bới cho rằng vợ cũ ăn gian, tính dối. Có tháng, ông bố còn trừ 95.000 đồng tiền đặt Grab cho con sau khi đến chỗ bố chơi về lại nhà mẹ. 

Chị Diễm kể, chồng cũ chị tốt nghiệp thủ khoa tại một trường đại học lớn ở TPHCM, học lên thạc sĩ, hiện là Phó Giám đốc một công ty trong lĩnh vực tài chính. Hồi hai người còn sống chung, người đàn ông đã thu nhập tiền tỷ mỗi năm. 

Xem thêm:   Ukraine thay đổi chiến thuật, sẵn sàng cho trận chiến mùa đông

Ngoài căn biệt thự đang sống ở quận 2 cũ, nhà đất anh này rải khắp nơi. Ông bố có một đời sống rất sang chảnh, gia đình suốt ngày đi du lịch, hai con sinh đôi với người vợ hiện tại theo học một trường quốc tế, học phí hơn 1 tỷ đồng/năm… 

Ông bố đó, đã hơn hai năm qua không gửi một đồng tiền nuôi con đầu. Nhiều người xúi, phải đòi bằng được nhưng chị là người trong cuộc, mở miệng suốt cũng thấy ê chề. Kiện ra tòa thì chị cũng không làm nổi vì mất thời gian, thêm nữa đi đòi 1,3 triệu đồng, không đủ tiền mua sữa, chị không ham, thà để tâm sức làm việc kiếm tiền. 

Với chị, tiền trợ cấp không chỉ quyền lợi của con mình mà cũng là quyền lợi của người làm cha, thể hiện tình yêu với con, bên cạnh phần nghĩa vụ, trách nhiệm. Tiền nuôi con không đơn thuần là tiền mà còn là tình cảm, sự quan tâm, chăm lo của người bố với con, khi đã thoái thác thì đồng tiền đó không còn mấy ý nghĩa. Nhưng thực sự, chỉ xét khía cạnh đơn thuần đó là tiền, là trách nhiệm chị cũng không đòi được nên đành bỏ cuộc. 

“Tôi cũng hiểu không nên nói xấu bố của con mình với trẻ. Ừ thì không nhắc đến chuyện cũ nhưng mấy đồng trợ cấp nuôi con cũng “quỵt” thì nói tốt sao nổi”, chị Diễm cay đắng. 

Chồng gửi cấp dưỡng, trừ 7.700 đồng tiền chuyển khoản 

Nói đến tiền trợ cấp nuôi con sau ly hôn, chị Trần Trang Nhung, ở Gò Vấp, TPHCM cũng… vừa cười vừa khóc. 

Sau ly hôn, chị và chồng cũ vẫn phải gặp nhau ở tòa liên quan đến tiền trợ cấp nuôi con. Anh chồng đến tận cơ quan chị xin bảng lương để chứng minh “chị có thu nhập khá” và xác nhận mình thu nhập thấp, để bớt từng đồng tiền trợ cấp. Con số trợ cấp được ấn định là 4 triệu đồng/tháng cho hai con. 

Xem thêm:   Israel đưa ra lời đe dọa cuối cùng cho Hamas: Đầu hàng hoặc chết

Nhiều người khó khăn vẫn nỗ lực để chăm cho con, đằng này chồng cũ chị Nhung kinh tế rất khá nhưng nuôi con sau ly hôn thì tính từng nghìn đồng. Mỗi lần gửi tiền, anh này đều trừ 7.700 đồng phí chuyển khoản vào tiền trợ cấp của con. 

Nhiều vợ chồng đã ly hôn vẫn phải kéo nhau ra tòa vì tiền cấp dưỡng nuôi con (Ảnh minh họa).

Nhiều lần, ông chồng cũ còn lên tiếng đe dọa: “Đừng để tôi hết tình hết luôn cả nghĩa”. Trong khi thực tế, tiền cấp dưỡng một năm gửi được vài tháng, chị Nhung đòi cũng chẳng được. 

Nhắc đến chuyện thăm nom con, chị chảy nước mắt. Cùng một thành phố, ở cách nhau chưa đến 10 cây số nhưng hơn hai năm, ông bố chưa hề thăm hỏi hay gọi điện cho con. 

Chị Nhung tự hỏi: “Bao nhiêu ông bố vẫn thật sự nuôi con sau ly hôn?”.

Với kinh nghiệm của mình, chị Nhung cho rằng phụ nữ, nhất là phụ nữ nuôi con sau ly hôn phải nỗ lực và có kế hoạch tự chủ về tài chính càng sớm càng tốt. Và hãy tỉnh táo trước những lời hứa hẹn vì nhiều ông bố nhận đóng tiền học cho con, thỏa thuận tháng từng này từng kia nhưng sau đó “phủi tay”, để lại cho người mẹ cả đống trách nhiệm ngổn ngang… 

Nhiều chị em phải một mình nuôi con khi chồng cũ “trở mặt” không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con, có khi phải lần nữa lôi nhau ra tòa. Theo chị Nhung, một khi người ta đã cố ý trốn trách nhiệm với chính khúc ruột của mình thì có ra tòa cũng chưa chắc đã đòi nổi tiền. 

Xem thêm:   Sân bay áp dụng thí điểm sử dụng VNeID cho thủ tục hành khách

Trước tòa, người này có thể thắng người kia nhưng tổn thương để lại cho những đứa con là không thể đo đếm khi bố mẹ “giành” và “đẩy” nghĩa vụ nuôi dưỡng mình…

Trốn cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, có thể  phải chịu trách nhiệm hình sự

Tại khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định: Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Điều 186 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội “Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” có thể phải chịu trách nhiệm xử lý hình sự. Cụ thể, luật viết, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Theo Dân trí


Source link: https://vietnamnet.vn/chong-cu-thu-nhap-tien-ty-van-quyt-1-3-trieu-dong-cap-duong-nuoi-con-2051218.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *