Hình ảnh pháo cối M-240 cỡ nòng 240mm (Ảnh: Wikipedia)
Trong một đoạn video được đăng tải vào ngày 3/2, Hải quân Ukraine đã tiết lộ hình ảnh binh sĩ thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 sử dụng súng cối M-240 cỡ nòng 240mm để tấn công các mục tiêu Nga gần khu vực Marinka ở vùng ly khai Donetsk.
Súng cối M-240 – Một “Người ngoài hành tinh” đột phá
Điều đáng ngạc nhiên là súng cối M-240 chưa từng được sử dụng trong xung đột giữa Nga và Ukraine. Có nguồn tin cho rằng khẩu pháo này đã được quân đội Ukraine thu hồi từ một viện bảo tàng ở thủ đô Kiev.
Thủy quân lục chiến Ukraine khai hỏa pháo cối M-240 (Ảnh: Twitter)
Trên đoạn video, thủy quân lục chiến Ukraine đã sử dụng đạn nổ phân mảnh 3F2 HE-Frag với tầm bắn lên đến 20km để tấn công các mục tiêu của Nga.
Súng cối M-240 được sản xuất bởi công ty Uraltranmash từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đây đã từng là một trong những loại vũ khí chủ lực trong lực lượng pháo binh của Liên Xô. Với nòng cỡ 240mm, M-240 có khả năng bắn những quả đạn nặng lên tới 100kg với sức công phá khổng lồ nhằm vào mục tiêu của đối phương.
Tuy nhiên, kích thước lớn cũng mang đến nhiều bất lợi cho súng cối, khi chỉ có thể bắn được một phát đạn mỗi phút. Bên cạnh đó, để vận hành M-240 yêu cầu một đội gồm 11 người.
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Ukraine sử dụng các vũ khí cổ, thậm chí đã từng lưu giữ trong một viện bảo tàng trong cuộc xung đột với Nga. Hồi cuối tháng 5/2022, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về Chiến tranh Thế giới thứ II của Ukraine đã cho biết, quân đội nước này đã sử dụng các xe thiết giáp từ thời Thế chiến II được trưng bày ở bảo tàng để bảo vệ thủ đô Kiev.
Vị trí chốt chặn của xe bọc thép BMD-1 tại cửa ngõ Kiev (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về Chiến tranh Thế giới thứ II của Ukraine)
Việc tận dụng các phương tiện bóc thép không còn giá trị đã diễn ra từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong thời gian đó, quân đội Ukraine vẫn chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phương Tây và đang gặp thiếu hụt vũ khí nghiêm trọng.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về Chiến tranh Thế giới thứ II của Ukraine, các tài liệu chiến tranh từ cuộc chiến chống Phát xít Đức vẫn được bảo quản ở trạng thái rất tốt. Vì vậy, lực lượng phòng vệ Kiev đã không mất nhiều thời gian để đưa các “hiện vật trưng bày” này trở lại trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Những khí tài trên đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến phòng vệ thủ đô Kiev trước cuộc tấn công dữ dội của quân đội Nga. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tất cả các khí tài đã được đưa trở lại viện bảo tàng vào ngày 24/5.
Nguồn: Tin Nóng Trong Ngày