Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam

0

(xuangiao.com)-Không thể tính đếm được có bao nhiêu ngôi chùa lớn nhỏ trên khắp nước Việt. Đó là những nơi đã được coi là danh lam thắng cảnh, là di tích văn hoá… 

* Chùa Dâu (Hà Bắc) 

Đây là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ III. Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, vùng Dâu đã là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong và ngoài nước. Chùa còn có tên là Thiền Định, Duyên Ứng, Pháp Vân.
Vào đời Tuỳ, thế kỷ VI, VII, chùa là chốn tu trì và là đạo tràng thuyết pháp, nơi truyền bá Phật giáo quan trọng của các danh tăng Tỳ-ni-đa-luu-chi, Pháp Hiền, Quan Duyên… Vào thời này, Lưu Phương theo lệnh Tuỳ Văn Đế dựng tháp để bảo tàng xá-lợi. Tháp Hoà Phong ở sân chùa, trước có 9 tầng, sau đổ mất. Năm 1738, tháp được xây lại 3 tầng.
Vào các năm 1073, 1169, 1434, 1448, các vua Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông đã tổ chức cầu đảo tại chùa, hoặc đến chùa rước tượng về chủa Bảo Thiên ở Hà Nội để cầu đảo.
Ông Mạc Đĩnh Chi là người đứng ra hưng công xây dựng lại chùa với quy mô to lớn vào thế kỷ XIV. Chùa đã được trùng tu nhiều lần.

* Chùa Côn Sơn (Hải Hưng)

Toạ lạc ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, trong khu vực Côn Sơn nổi tiếng với những núi non, chùa tháp, rừng thông, khe suối… và những di tích gắn liền cuộc đời nhiều danh nhân trong lịch sử. Côn Sơn còn là một trung tâm Phật giáo lớn ở nước ta.
Chùa Côn Sơn, tên chữ là Tư Phúc Tự dựng ở chân núi phía Nam, Chùa có từ thời Trần. Vua Trần Thái Tông (1225 – 1258) đã từng đến đến thăm chùa. Chùa được trùng tu mở rộng từ đời Lê, tương truyền có tới 83 gian nguy nga đồ sộ. Ngày nay chỉ còn là ngôi chùa nhỏ, còn gọi là chùa Hun.
Chùa có nhiều pho tượng cổ. Phía sau chùa là khu tháp mộ, nổi bật là: ‘Đăng Minh Bảo Tháp’ cao trên 5m đặt xá-lợi và tượng của Huyền Quang tôn giả (1254 – 1334).
Phía trước chùa có dùng 4 nhà bia. Một tấm bia có 3 chữ lớn ‘Thanh Hư Động’ bút tích của Trần Nghệ Tông (1322 – 1395) được khắc trên phiến đá lớn đặt trên thung lũng rùa. Nhà bia cũ bên trái có tấm bia ghi bài minh có tựa đề là: ‘Côn Sơn Tư Phúc Thiền Tự Bi’ hình trụ 6 mặt, nóc bia tạc kiểu long đình, dựng năm Hoằng Định thứ 8 (1608) đời vua Lê Kim Tông, nội dung ghi lại việc trùng tu chùa.

* Chùa Keo (Thái Bình)

Toạ lạc ở thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình: Chùa có tên chữ là: Trần Quang Tự, dựng trên một khu đất rộng 20 hecta vào năm 1608.
Chùa nguyên dựng bên bờ sông Nhĩ Hà nên bị nước xói lở dần. Quận công Nguyễn Quyên đã dâng đất cúng vườn để dựng lại chùa. Ngôi chùa hiện nay được trùng kiến vào năm 1930. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, đồ thờ quý giá: Đại hồng chung đúc từ đời Lê, đôi lọ sứ Bát Tràng, bàn hương án…
Gác chuông của chùa là một kỳ công về mặt nghệ thuật kiến trúc. Gác gồm 3 tầng, cao 11,50m, mỗi tầng treo một quả đại hồng chung. Gác chuông trong như đoá sen mới nở vươn lên bên những thân cau cao vút.
Hàng năm, chùa mở hội vào ngày rằm tháng 9 âm lịch.

* Chùa Trấn Quốc (Hà Nội)

Chùa Trấn Quốc.
Ảnh: Phương Thảo

Toạ lạc ở đường Thanh Niên, quận Ba Đình.
Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất nước ta, tương truyền có từ thời Lý Nam Đế (544 – 548), lúc ấy có tên là Khai Quốc Tự; đến đời Lê Thánh Tông (1440 – 1442), đổi là chùa An Quốc. Đến đời Lê Kính Tông (1600 – 1618), chùa được dời vào hòn đảo Cá Vàng ở giữa Hồ Tây, tức địa điểm hiện nay. Đời Lê Hy Tông (1680 – 1705), đổi tên là chùa Trấn Quốc.
Chùa còn giữ được 14 tấm bia, đáng kể là tấm bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính dựng năm 1639 và tấm bia của Tiến sĩ Phạm Quý Thích dựng năm 1815.
Chùa có nhiều tượng đẹp, đáng chú ý là pho tượng đức Phật Thích-ca nhập Niết bàn bằng gỗ thếp vàng.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần.

* Chùa Láng (Hà Nội)

Toạ lạc ở làng Yên Lãng (tên nôm là Láng), thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 6km về phía Tây, chùa có tên chữ là Chiêu Thiền Tự, được dựng từ đời Lý Anh Tông (1138 – 1175), đã được trùng tu nhiều lần. Kiến trúc hiện nay là do lần trùng tu vào giữa thế kỷ XIX.
Trong chùa, ngoài các pho tượng phật, có đặt thờ tượng vua Lý Thần Tông và tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Chùa là một danh lam thắng cảnh của thủ đô.

* Chùa Quán Sứ (Hà Nội)

Toạ lạc ở số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Xưa thuộc địa phận thôn An Tệp, huyện Thọ Xương, Thăng Long.
Sách: ‘Đại Nam Nhất Thống Chí’ có ghi về chùa: ‘Về đời nhà Lê (1428 – 1788), các nước Chiêm Thành, Vạn Tượng. Ai Lao thường cắt sứ giả sang cống nước ta. Nhà vua dựng một ngôi chùa cho sứ giả vào ở (vì những nước kể trên rất sùng đạo Phật) và đặt tên chùa là Quán Sứ để phân biệt với các chùa khác…’.
Chùa đã trải qua bao thay đổi. Tới năm 1934, Tổng hội phật giáo Bắc Kỳ ra đời, đặt trụ sở ở chùa. Chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế của 2 kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do tổ Vĩnh Nghiêm duyệt vào năm 1941.
Điện phật chùa được bài trí trang nghiêm. Các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy.
Lá cờ Phật giáo thế giới lần đầu tiên được treo tại Việt Nam ở chùa Quán Sứ nhân ngày lễ Phật đàn năm 1951, Phật lịch 2495.
Chùa nay là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trường cao cấp Phật học Việt Nam (cơ sở 1).

* Chùa Liên Phái (Hà Nội)

Toạ lạc ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng. Theo tài liệu của Sở Văn hoá Thông tin Hà Nôi, chùa thuộc phái Lâm Tế do vị Lâm Giác Thượng Sĩ sáng lập từ năm Bính Ngọ, năm Bảo Thái thứ 7, dưới triều vua Lê Dụ Tông (1726).
Lâm Giác Thượng Sĩ tên là Trịnh Thập, con trai của Tân Quang Vương, là cháu nội của chúa Trịnh Căn, cưới con gái thứ tư vua Lê Hy Tông. Ông đã sai đào ở gò cao sau nhà để xây bể cạn thì thấy trong lòng đất có cái ngó sen. Phò mã cho mình có duyên với đạo Phật nên đi tu, trở thành vị tổ đầu tiên của chùa, lúc đó gọi là chùa Liên Tông. Đến thời Tự Đức, chùa đổi tên thành Liên Phái để tránh phạm huý.
Tháp Diệu Quang ở bên sau cổng chùa, hình lục lăng cao 10 tầng, xây vào khoảng thế kỷ XIX, trong đó đặt hài cốt tổ Diệu Quang cùng 5 vị sư khác.

* Chùa Đậu (Hà Tây)

Toạ lạc ở thông Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín.
Chùa có tên chữ là Thành Đạo Tự, thờ nữ thần Pháp Vũ nên còn gọi là chùa Pháp Vũ, tương truyền có từ đầu công nguyên cùng thời với chùa Dâu (Hà Bắc). Nhưng theo văn bia ở chùa thì được dựng từ thời Lý. Các triều đại kế tiếp đều có trùng tu, nhất là lần trung tu vào năm Dương Hoà thứ 1 (1635) đời Lê Thần Tông do bà Ngô Thị Ngọc Quyên đứng ra làm hội chủ hưng công.
Chùa dựng theo kiểu: ‘Nội Công ngoại quốc’. Tam quan chùa đồng thời là gác chuông, bên trong treo quả đại hồng chung đúc năm Canh Thịnh thứ 9 (1801) đời Tây Sơn. Chùa còn lưu lại nhiều di vật và đồ thờ có giá trị như đôi rồng đá (dáng dấp đời Trần), gạch (đời Mạc), sách đồng (đời Lê), khánh chuông…
Tương truyền 2 vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là người thôn Gia Phúc, sống vào đầu và giữa thế kỷ XVII, đã kế tiếp nhau trụ trì Chùa Đậu. Trước lúc viên tịch, cả 2 vị đều cho biết nhục thân sẽ không bị hư thối. Quả đúng như thế, nhưng lâu về sau, người ta gia thêm vào nhục thân một số kỹ thuật để hạn chế sức phá huỷ của thời gian.
Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh ngôi theo tư thế nhập Thiền, mình gập hẳn, đầu hơi cúi về phía trước. Sau năm 1931, ở đầu có một vết nứt 2mm đã thấy bên trong cùng là xương sọ, tiếp đến khoảng không, rồi lớp bồi dày từ 2 đến 4mm. Chất bồi là đất gò mối mịn trộn sơn sống và mùn cưa giã nhỏ. Sau đó là một lớp sơn màu cánh gián, ngoài cùng là một lượt quang dầu.
Toàn bộ pho tượng hiện nay chỉ còn nặng 7kg, cao 57 cm.
Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường. Theo lời truyền thì Thiền Sư đã khắc tấm bia năm Dương Hoà thứ 5, là người thừa kế thiền sư Vũ Khắc Minh. Tượng được quét sơn trắng, môi tô son, mắt và lông mày được tô vẽ.
Đây là phương pháp giữ xác độc đáo ở Việt Nam, đang còn là điều bí ẩn với các nhà khoa học.

* Chùa Trăm Gian (Hà Tây)

Toạ lạc ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Hoài Đức, trên một quả đồi cao khoảng 50m, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Chùa có tên chữ là Quảng Nghiêm Tử, được lập từ thời Lý Cao Tông, niên hiệu Trịnh Phù thứ 10 (1185).
Đến đời Trần có Hoà thượng Bình An, quê ở Bối Khê, tu ở đây được người đời gọi là đức Thánh Bối.
Chùa gọi là Trăm Gian vì có 100 gian theo cách tính 4 cột là 1 gian.
Ở sân chùa có gác chuông 2 tầng 8 mái được dựng vào năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Hoà, đời Lê Hy Tông (1693), là một công trình có giá trị nghệ thuật cao.
Chùa còn giữ được nhiều di vật, đồ tế khí và tượng quý.
Đây là ngôi chùa đẹp về mặt kiến trúc và khung cảnh thiên nhiên, nên ca dao đã có câu:
Đình So, quân Giá, chùa Thầy
Đẹp thì có đẹp, chưa tày Trăm Gian

* Chùa Mía (Hà Tây)

Toạ lạc ở làng Mía, xã Dương Lâm, huyện Ba Vì.
Chùa có tên chữ là Sùng Nghiêm Tự, được đại trùng tu vào năm Đức Long thứ 4 (1632) do bà Nguyễn Thị Dong (còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc Diệu) , vợ chúa Trịnh đứng ra hưng công.
Chùa có 37 pho tượng lớn nhỏ, một nửa tạc bằng gỗ, một nửa tạc bằng gỗm, một nửa bằng đất luyện, sơn son thếp vàng. Tiêu biểu là Bát bộ Kim Cang bằng đất luyện ở toà thượng điện, là những điển hình nghệ thuật miêu tả dung mạo những con người giàu tinh thần thượng võ. Pho tượng tuyệt tác ở chùa là ‘Quan Âm Tống Tử’ với đường nét chạm khắc mềm mại, sinh động. Tượng Thuyết Sơn chùa Mía cũng là pho tượng có giá trị nghệ thuật cao.
Chùa còn lưu giữ rất nhiều cổ vật, như đại hồng chung đúc năm 1743, khánh đồng đúc năm 1846, bia Bà Chúa Mía dựng năm 1632…

* Chùa Thiên Trù – Hương Sơn (Hà Tây)

Toàn cảnh chùa Hương là một khi vực rộng lớn, có đủ khe suối, núi rừng, hang động, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội khoảng 60km.
Chùa Thiên Trù nằm ở Bến Trò, được dựng vào đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chánh Hoà năm thứ 7 (1686). Chùa bị đổ năm 19947, nay mới được xây lại và đang tiếp tục công cuộc trùng tu.
Ở chùa có tấm bia cổ dựng vào năm 1686, nói việc nhà sư Viên Quang có công sửa sang động báu Hương Tích và xây dựng ngôi chùa Ngoài. Có 2 ngọn tháp đáng chú ý là tháp Thiên Thuỷ – một khối đã nước mưa bào mòn và tháp Viên Công xây bằng gạch cổ.
Chùa Hương là một danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam. Động Hương Tích được gọi là ‘Nam Thiên Đệ Nhất Động’.

* Chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên – Huế)

Chùa Thiên Mụ. Ảnh: P.Thảo

Toạ lạc trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách thành phố Huế 5km, về phía Tây, do chúa Nguyễn Hoàng tái thiết năm Tân Sửu (1601). Năm Ất Tỵ (1665), chùa Nguyễn Phúc Tân cho trùng tu chùa. Sau đó, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc chuông và dựng bia. Năm Giáp Ngọ (1714), chúa Nguyễn Phúc Chu lại tiếp tục cho sửa sang chùa. Đến năm 1815 và năm 1831, vua Gia Long và vua Minh Mạng cho trùng tu chùa sau thời gian bị hư hỏng. Năm 1844, vua Thiệu Trị cho dựng tháp Phước Duyên. Năm 1907, vua Thành Thái cho trùng tu chùa sau cơn bão Giáp Thìn (1904). Đến năm 1943, chùa lại bị hư hỏng, Hoà thượng trụ trì Thích Đôn Hậu đã chỉ đạo công cuộc đại trùng tu kéo dài hơn 30 năm. Hiện nay chùa vẫn tiếp tục được chỉnh trang.
Chùa Thiên Mụ là ‘Quốc Tự Đệ Nhất’ nên nhiều sư được phong tước hiệu. Chùa là ngôi danh lam cổ tự bậc nhất của đất Thần Kinh.

* Chùa Báo Quốc (Thừa Thiên – Huế)

Năm 1824, vua Minh Mạng lấy lại tên chùa Báo Quốc. Năm 1858, vua Tự Đức cho trùng tu. Năm 1957, chùa được tái thiết, song vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ kính. Cổng tam quan chùa được xây năm 1808 và sửa lại năm 1873. Năm 1940, trường Cao đẳng Phật học được mở tại chùa Báo Quốc, và chùa trở thành một trung tâm đào tạo Tăng Ni cho đến ngày nay.

* Chùa Linh Quang (Lâm Đồng)

Toạ lạc tại số 133 đường Hai Bà Trưng, thuộc khu phố 4, thành phố Đà Lạt.
Chùa do Hoà thượng Thích Nhân Thứ tạo lập vào năm 1931, sau đó được các Hoà thượng trụ trì kế tiếp trùng tu, nhất là đợt trùng tu năm 1958 và năm 1972 dưới thời Hoà thượng Minh Cảnh trụ trì.
Chùa có lối kiến trúc cổ, mái chồng cong, trên mái hình long, lân, quy, phụng được gắn bằng những mảnh sành đủ màu sắc. Chính điện thờ đức phật Thích – ca, 2 bên là Bồ-tát Quán Thế Âm và Hộ Pháp.
Chùa được xem là ngôi Tổ đình đầu tiên của thành phố Đà Lạt.

* Chùa Giác Lâm (TP.HCM)

Toạ lạc ở số 118 đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình.
Chùa ở trên gò Cẩm Sơn, do Lý Thuỵ Long người xã Minh Hương quyên tiền xây dựng vào mùa xuân Giáp Tý (1744) đời chúa Thế Tông (Nguyễn Phúc Khoát). Năm Giáp Tý (1804), Hoà thượng Viên Quang đã cho xây dựng lại ngôi chùa. Đến năm Kỷ Dậu (1909), Hoà thượng Hồng Hưng và Hoà thượng Như Phòng đã cho trùng tu lại như kiến trúc hiện nay.
Chùa được xây theo hình chữ ‘Tam’, gồn chánh điện, giảng đường và nhà giám trai. Hai bên chánh điện là 2 bộ Thập Bát La-Hán (bộ lớn và bộ nhỏ). Chùa có cả thảy 133 pho tượng bằng danh mộc (chủ yếu là gỗ mít nài) được sơn son thếp vàng. Tất cả những pho tượng, các bộ bao lam, bàn ghế, bài vị, các tháp mộ cổ… đều được chạm khắc cực kỳ tinh xảo.
Chùa là ngôi đình danh tiếng bậc nhất ở thành phố.

* Chùa Xá Lợi (TP.HCM)

Toạ lạc tại số 69, đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3.
Chùa được khởi công xây dựng vào ngày 5 tháng 8 năm 1956 dưới sự quản đốc công trường của 2 kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hà Tố Thuận thi công theo hoạ đồ của 2 kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh. Chùa được khánh thành vào các ngày 2, 3, 4 tháng 5 năm 1958.
Chánh điện ở lầu 1, dài 31m, rộng 15m, tôn tri đức Phật Thích-ca. Tượng này do Trường Mỹ nghệ Biên Hoà thực hiện năm 1958 bằng bột đá màu hồng.
Ở trên tường chánh điện có những bức tranh minh họa đời sống đực Phật Thích-ca do họa sĩ Nguyễn Văn Long thực hiện vào các năm 1959 – 1960.
Tháp chuông có 7 tầng, được khởi công xây dựng ngày 15/12/1980 và khánh thành ngày 23/12/1961.
Đại hồng chung được đem lên tháp ngày 17/10/1961 dưới sự chững minh của cố Hoà thượng Thích Tịnh Khiết.
Trước đây, chùa là nơi đặt trụ sở Hội Phật học Việt Nam. Chùa được chọn làm nơi tổ chức Đạo hội thành lập Giáo hội phật giáo Việt Nam họp từ ngày 30/12/1963 đến ngày 01/01/1964. Chùa nguyên đặt trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Văn phòng II).
Ngày 31/8/1991, chùa là nơi tổ chức lễ tiếp nhận và phát hành 2 tập đầu tiên Đại Tràng Kinh Việt Nam.

* Chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM)

Tạo lạc ở số 339 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3.
Chùa được xây dựng từ năm 1964 và hoàn thành năm 1971, do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng vẽ kiểu với sự cộng tác của kiến trúc sư Lê Tấn Chuyên và Cổ Văn Hậu.
Chùa có sân thượng sâu khoảng 10m, bên trái có tháp Quan Âm với 7 tầng mái, bên phải có tháp chuông xây cao trên sân thượng. Quả đại hồng chung do Giáo hội Phật giáo Nhật Bản hiến cúng. Bái điện là một toà nguy nga, bề rộng 22m, dài 35m, cao 15m. Những công trình chạm khắc gỗ ở đây có bao lam tứ linh, bao lam cửu long, các tượng La-hán… Đặc biệt là các phù điều trên các hương án chạm các ngôi chùa danh tiếng trong nước và các nước Châu Á. Các nghệ nhân Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Dụ, Bá Nhâm và tập thể thợ chạm những năm 1960 đã đạt những thành tựu đáng kể về mặt điêu khắc gỗ ở đây.
Bàn thờ Phật được thiết lập rất trang nghiêm. Chính giữa thờ đức Phật Thích-ca, 2 bên là Bồ-tát Phổ Hiến và Bồ-tát Văn-thù.
Hiện nay, chùa đặt Trường cơ bản Phật học TP.HCM.

Theo “Việt Nam danh cổ tu

© 2012, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Leave A Reply