Các Định Luật Cơ Bản Trong Vũ Trụ


A.    Luật Chu Kỳ:
Trong Kinh Dịch, bộ sách cổ kinh điển của Trung Hoa có nói rằng: “Cái gì cực Thịnh ắt đến hồi Cực Suy, Cái gì Cực Suy ắt đến hồi Cực Thịnh”.
Hình ảnh phản ánh cho điều này là đồ thị hình Sin mà chúng ta luôn trải nghiệm trong cuộc đời! Có thăng thì có trầm, có lên thì có xuống, có dương thì có âm!

Một người nếu trong cuộc sống luôn quá vui tươi năng nổ trong lúc tích cực thì trong những lúc tiêu cực, họ sẽ rất buồn, một người trong cuộc sống luôn bình ổn, hài hòa thì trạng thái đó của họ sẽ duy trì ổn định trong mọi tình huống, lúc vui họ không quá khích thì lúc buồn họ cũng sẽ không bị quá hụt hẫng!

Điều này cũng phản ánh một quy luật tất yếu của vạn vật trong vũ trụ: Không có cái gì hiện hữu là tồn tại thường hằng, bất biến! Một tình yêu đẹp cũng sẽ có hồi kết, có lúc lên lúc xuống, một cuộc đời dù 100 năm cũng sẽ có hồi kết, một cái gì mình yêu thích, muốn giữ bên cạnh cũng không bao giờ theo ý mình một cách liên tục được…
Phật nói: Vạn vật trong vũ trụ đều trải qua chu kỳ 4 giai đoạn: Thành (hình thành), Trụ (tồn tại), Hoại (dần hư hoại) và Không (trở về hư không) rồi cứ thế tiếp diễn.

Quy luật này quá đơn giản để nhận ra nhưng nó cũng là một liều thuốc quá đắng cho những ai không chấp nhận sự hiện diện của nó một cách khách quan. Thực tế cho thấy, khi một căn bệnh hiểm nghèo cướp đi sinh mạng của một ai đó thân yêu của một người, họ vô cùng đau khổ và suy xụp, dù chuyện đã qua đi nhưng có những người sau bao nhiêu năm vẫn bàng hoàng chưa chấp nhận được sự thật này. Khi một ngày bất ngờ, người bạn yêu thương nhất bỗng nhiên muốn rời bỏ bạn với những lí do như đã có người mới, hay không còn hợp nhau nữa hay họ tự nhiên muốn suy nghĩ thêm… chợt làm bạn lạnh cả người vì vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, tại sao họ lại thay đổi? Một ngày biến động kinh tế, mọi tài sản của bạn bất chợt như sông đổ bể, mọi quyền lực, tiền bạc không còn, các quan hệ thay đổi 180 độ, bạn lạc lõng, bị xúc phạm, bôi nhọ, coi thường, thiếu thốn, tổn thương nặng nề – điều hoàn toàn trái ngược với khi bạn còn đang rất thành công…

Một sự thật nữa đối với những ai có sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời đó là có quá nhiều điều không hề giống như những gì chúng ta vẫn nghĩ, vẫn tưởng tượng. Bạn nghĩ rằng bạn phải có được 1 thứ gì đó và thứ này chắc chắn sẽ làm bạn mãn nguyện, hạnh phúc nhưng nếu không đạt được nó, bạn như rơi xuống địa ngục của sự đau đớn, khổ sở và bất mãn, nhưng nếu bạn đạt được nó rồi thì chỉ một thời gian ngắn sau, bạn trở nên nhàm chán và lại muốn tìm cái mới. Có nhiều việc cũng mang lại cho bạn niềm vui khi đạt được nó và thường kết quả cuối cùng sẽ ngoài sự dự đoán, tưởng tượng của bạn. Người Ấn độ gọi điều tinh tế này là Maya – Các Ảo Giác. Khi các tưởng tượng này quá nhiều thì sự thất vọng chắc chắn cũng nhiều lên theo nên nó tiềm ẩn những nhân tố không hạnh phúc. Hãy cứ quan sát cuộc sống, bạn sẽ thấy, chỉ cần ở cách nhìn nhận con người, đôi khi bạn nhìn một ai đó đẹp hơn những gì họ biết về chính họ, đôi khi có ai đó nhìn bạn xấu hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ về chính mình… Cuộc chơi cứ như vậy và hệ quả là tình trạng của chúng ta sẽ luôn thăng trầm, mất thăng bằng cùng sự kiểm soát nếu không nhận ra quy luật của chu kỳ và các ảo tưởng của Maya!

Nhận ra điều này, chắc chắn về nó, bạn sẽ có 1 sức mạnh để vượt ra khỏi cuộc chơi luẩn quẩn này một cách dứt khoát bằng cách đặt sự chú ý của mình vào bên trong chính mình. Cái bạn cần dựa vào không phải là những được thua, sự công nhận, hay chứng tỏ với ai đó ở bên ngoài – nơi mọi thứ luôn biến động và thay đổi mà cái bạn an định được là sự thích nghi, sự tự chủ và nhẹ bẫng của tâm trước mọi điều. Sự định tâm này của bạn là nền tảng để đi vào các thực hành sâu sắc của Phật pháp.

Vì thế mà một thiền sư đã nói rằng:
Sống là Động nhưng trong lòng Bất Động
Sống là Thương nhưng lòng chẳng Vấn Vương
Tâm Bất Biến giữa dòng đời Vạn Biến

3 câu kệ thực thách thức! Cái khó nhất của nó chính là sự quân bình hài hòa giữa cuộc đời. Vẫn phải làm việc, hành xử thật tốt, thật xuất sắc, vẫn phải yêu thương, đối đãi chân tình, chan hòa với mọi mối quan hệ nhưng cũng lại phải cân chỉnh thật chính xác để không động quá, không tình quá dẫn đến ràng buộc, va chạm.
B.   Luật Nhân Quả:

Quy luật thứ 2 có tên là luật nhân quả – nguyên nhân và kết quả. Tên tiếng Anh của nó là the Law of Karma. Karma là từ gốc Ấn độ nghĩa là Nghiệp. Người Ấn Độ cách đây 5000 năm đã nói về quy luật nhân quả này. Họ quan niệm rằng mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của con người và vạn vật đều tạo ra những lực tương tác. Và lực tương tác ban đầu gọi là nguyên nhân sẽ phải tương ứng chính xác với kết quả mà nó mang lại!

Ở Vật lý cấp hai, các bạn đều biết một định luật Newton có công thức như sau:
F = -F

Định luật này phát biểu rằng: Khi bạn tác động một lực là F lên một vật thể thì sẽ có một lực đúng bằng F là – F cùng phương, ngược chiều phản hồi lại lực ban đầu bạn đưa ra.
Bạn có thể thử nghiệm định luật này bằng cách: đấm mạnh tay vào tường bằng một lực, tay bạn sẽ bị đau bởi lực của chính bạn phản hồi từ bức tường. Vậy nguyên nhân là bạn làm đau cái tường vì đấm vào nó thì kết quả bạn cũng phải bị đau, đơn giản vậy!
Và cuộc sống vận hành hoàn toàn theo quy luật này nhưng ở những mức độ phức tạp, tinh tế và vô cùng chuẩn xác.

Bạn cho ai đó tiền với một tấm lòng vô cùng cao quý của tình thương yêu, bạn  sẽ nhận lại được tiền cùng những tình cảm cao quý khác một cách chắc chắn ở  một thời điểm nào đó khác. Việc nhận lại được tiền và các tình cảm cao quý khác có thể biểu hiện như là những cái bạn gọi là may mắn như tự nhiên có người giới thiệu giúp bạn một dự án thành công, tự nhiên có người tốt giúp đỡ, chăm sóc cho bạn, tự nhiên hàng hóa bạn bán tăng lên một cách kì lạ v/v… Cái may mắn đó là sự vận hành vô hình của luật nhân quả! Nguyên nhân là cho tiền thì sẽ phải nhận được tiền, cho tiền cùng tấm lòng cao quý, thương người muốn giúp người thì sẽ nhận được không những tiền mà còn cả tấm lòng, tình thương và sự giúp đỡ của người khác.

Tương tự, nếu bạn cho tiền nhưng với suy nghĩ, cảm xúc của sự khinh rẻ, miệt thị và xúc phạm để ai đó có tiền trong sự đau đớn, khổ tâm thì bạn càng cho tiền, bạn sẽ càng có nhiều tiền và tất nhiên kèm theo những đau khổ, khó chịu trong cuộc sống của bạn. Thật lạ nhưng luật nhân quả vận hành là như vậy!
Mọi sự đều luôn cho đi và nhận lại chính xác như vậy!

Ai đó luôn có suy nghĩ khinh ghét, coi thường người khác dù chỉ là trong đầu thì tự nhiên người đó cũng sẽ bị người khác cứ nhìn thấy là thấy khó chịu, ghét bỏ!
Luật nhân quả vận hành vô hình vì thời gian xảy ra giữa nguyên nhân và kết quả có thể có lúc xảy ra ngay, như đấm vào tường thì tay đau ngay, cũng có khi xảy ra ở một thời điểm khác như việc bạn gieo 1 hạt giống thì phải sau một thời gian nó mới đơm hoa kết trái.

Các bạn hãy tra cứu và tìm thêm tài liệu của Phật giáo về Luật nhân quả, trong giới hạn của phần này chúng tôi chỉ nêu khái niệm cơ bản để bạn có sự quan sát cẩn trọng về những tương tác từ suy nghĩ, cảm xúc, hành động của bạn sẽ dẫn đến những phản lực tương ứng lại bạn một cách chính xác thế nào!

C.   Luật Sáng Tạo – Hút:
Đây là một đặc tính của Chân Tâm, Phật Tính ngự trị trong chính mỗi người chúng ta. Nó hiện nay được gọi với tên gọi khá phổ biến là Luật Hấp Dẫn (The Law of Attraction). Luật này có 2 tính chất: Sáng tạo và Hút (tất nhiên trong thế giới vật chất luôn có âm dương, trắng đen nhị nguyên thì 2 tính chất này cũng đi kèm đối cực là: Hủy diệt và Đẩy). Nó vận hành như sau: Từ trạng thái tĩnh lặng, chân không, nếu bạn khởi lên một ý nghĩ, suy tưởng thì điều đó sẽ hình thành trong vũ trụ, khi hình thành nó sẽ phụ thuộc vào các điều kiện khác như nhân quả, chu kỳ, các yếu tố khác đi kèm … để tiếp tục thu hút những gì tương ứng với nó để từng bước tạo nên điều bạn tạo ra đó, khi mức năng lượng càng lớn thì việc hình thành của quá trình sáng tạo càng xảy ra nhanh hơn.

Cụ thể như sau, nếu khi ngủ dậy lúc sáng sớm, trạng thái suy nghĩ, cảm xúc đầu tiên của bạn là vô cùng vui vẻ, tích cực thì cả ngày hôm đó bạn sẽ gặp những chuyện tương ứng như có ai đó gọi điện chúc mừng bạn; khi đến cơ quan, đồng nghiệp và lãnh đạo cũng sẽ vui vẻ, thoải mái với bạn…

Nhưng nếu khi ngủ dậy lúc sáng sớm, trạng thái suy nghĩ, cảm xúc đầu tiên của bạn là tiêu cực, bực bội bởi một lí do nào đó thì tự nhiên cả ngày hôm đó của bạn sẽ tương ứng, đi trên đường bạn có thể bị kẹt xe, hỏng xe hay có ai đó đi xe tạt nước vào bạn, đồng nghiệp, bạn bè sẽ có xu hướng khó chịu và khiến bạn rơi vào trạng thái tiêu cực.

Những việc tưởng như trời ơi đất hỡi từ đâu ra này chính là đến từ sự kết hợp của luật sáng tạo hút, luật nhân quả và chu kỳ này!
Những người sống luôn lạc quan, tích cực, lại hay giúp đỡ người khác thì họ luôn trải nghiệm những may mắn kì lạ trong cuộc sống như tự nhiên có ai đó đến giúp đỡ những công việc rất khó mà họ phải hoàn thành, hoặc họ vừa khởi nghĩ cần một đồ vật, phương tiện gì đó thì tự nhiên có người đến tặng, đến cho hoặc có 1 việc phát sinh khiến họ có tiền để mua được phương tiện đó!

Hãy ngẫm nghĩ về những người sướng, người khổ trong cuộc đời này, bạn sẽ phát hiện ra cách cuộc sống vận hành! Bạn có thể xem thêm về quy luật này bằng cách tìm hiểu về Luật Hấp Dẫn (The Law of Attraction)
Luật này sẽ giúp bạn có trách nhiệm và quản lý cuộc sống của mình tốt hơn rất nhiều, tất nhiên nó sẽ song hành với luật nhân quả, luật chu kỳ!

D.   Luật Luân Hồi:
Đây là một khái niệm cổ xưa và khá mới dành cho cuộc sống hiện đại. Nó phản ánh sự kết hợp của các luật nhân quả, sáng tạo hút…

Các cụ vẫn nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “Nợ kiếp này thì kiếp sau phải trả”… đó là những câu nói liên quan tới nhân quả, luân hồi!
Với luật sáng tạo hút như đã mô tả, khi từ trạng thái chân không, vô thức, bạn khởi lên điều gì thì nó sẽ hình thành trong vũ trụ. Như vậy, nếu bạn khởi lên điều gì để sáng tạo mà trong đời sống này chưa hoàn thành mà bạn vẫn đau đáu để làm nó thì hết đời sống này bạn sẽ phải quay lại đời sống sau đó để thực hiện tiếp và mang theo các sáng tạo này sẽ là các nhân quả tương tác tương ứng!

Cũng như với luật nhân quả, bạn tương tác điều gì mà phản lực của nó chưa dội về hết cho bạn trong đời sống, kiếp sống này thì nó sẽ kéo bạn đi sang cả đời sống, kiếp sống sau để trả lại cho quân bình và công bằng.
Bạn thấy chúng ta đã đề cập đến khái niệm kiếp trước, kiếp sau, đời sống này, đời sống sau… Đó chính là các khái niệm về luân hồi.

Luân hồi theo tiếng Phạn là Samsara, luật này cho biết rằng mọi thứ sẽ luôn tuần hoàn trong vòng luẩn quẩn của việc sinh ra, mất đi rồi lại như vậy bất tận. Điều nguy hại của cái luân hồi này là thường con người không phải ai cũng có ý thức được đầy đủ về các luật vận hành như nhân quả, sáng tạo hút, chu kỳ, luân hồi nên khi họ tương tác trong cái hiểu hạn hẹp sẽ gây ra các tương tác có hại, ảnh hưởng xấu tới xung quanh thì mỗi vòng tuần hoàn luẩn quẩn này họ sẽ càng bị xiết chặt vào các trạng huống tồi tệ như mất tự chủ và bế tắc khủng khiếp hơn tùy thuộc vào mức độ họ tương tác. Cái chết của thân thể mà nhiều người vẫn nghĩ chết là hết thì không phải như vậy. Vì khoa học cũng nói rằng, năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, do vậy khi chết, năng lượng thân thể sẽ chuyển sang dạng khác và theo luân hồi nó sẽ bị kéo theo các nhận thức, niềm tin để sáng tạo, để hút các thứ tương ứng và cùng các tương tác nhân quả để bù trừ, hoàn thành cho trọn vẹn.

Nếu đời này bạn đã rất khổ vì hoàn cảnh sinh ra quá bi đát thì theo luân hồi, phần lớn là do thời  gian trước đây, xa hơn là các đời sống trước đây bạn đã tạo ra các nghịch cảnh đó cho người khác nên đời này bạn sẽ phải rơi vào tình trạng y như vậy để trả. Cái khổ hiện tại đã rất đau đớn và không thể làm gì được rồi như căn bệnh nan y đến, bạn không có quyền lựa chọn với nó, mọi tài sản, tiền bạc, quan hệ sẽ phải đổ vào để cứu chữa, cứu mà không được thì phải chết trong đau đớn mà bạn không ra lệnh cho nó ngừng đến với mình được. Nhưng cái đáng sợ hơn là nếu không hiểu các luật vũ trụ để tìm cách cải tổ, chuyển biến thì hoàn toàn có thể bạn sẽ bị mất tự chủ, kiểm soát lần thứ hai sau cái chết là bị hút vào 1 hoàn cảnh khác để lại bị như thế thêm một lần nữa với một đời sống, nhận thức tương tự.

Vì vậy, những ai ý thức được luân hồi, nhân quả và trải nghiệm nó, họ sẽ rất sợ sự vô thường cùng vòng luẩn quẩn của nó. Và như vậy họ cũng sẽ vô cùng thông minh và quyết đoán là tìm mọi cách thoát khỏi nó bằng những hành động, đường hướng hiểu các luật vận hành để tự chủ lại chính số phận!
Bạn có thể tham khảo thêm về Luân Hồi bằng các câu chuyện, tư liệu khác nữa!

E.   Luật Hình Thành Chuỗi Tổ Hợp (Lý Duyên Khởi)
Hãy nhìn vào bất kì điều gì tồn tại xung quanh bạn, ví dụ chiếc điện thoại bạn đang dùng, để có chiếc điện thoại bạn sử dụng được thì phải được hình thành từ một tổ hợp chuỗi các nhân tố như: người khởi tạo ý tưởng về nó, vật chất nguyên liệu tạo ra nó, các đài phát sóng, người gọi, người nghe…

Hoặc một việc được coi là tốt hay xấu cũng đều phụ thuộc vào chuỗi các sự kiện tổ hợp. Tuy đơn giản vậy nhưng bạn có thể quan sát, chính bản thân chúng ta vào các điều kiện thích hợp như không gian, thời gian, con người tương tác, có những lúc chúng ta trở nên rất tự tin về mình, nhưng cũng cùng con người chúng ta, vào những không gian, hoàn cảnh, con người khác thì chúng ta lại dường như rất hoang mang về chính mình.

Bất cứ sự việc nào đã xuất hiện trong nhận thức của bạn thì nó luôn đi kèm với chuỗi ít nhất là 2 nhân tố. Một người biết cao hay đẹp thì phải có một giá trị khác như thấp hay xấu để phân định, do vậy luật hình thành chuỗi tổ hợp này nói lên một điều: Mọi thứ đều không có bản chất cố định! Bạn không có bản chất là tốt hay xấu, giỏi hay dở cố định vĩnh viễn mà tùy thuộc vào các yếu tố khác như không gian, thời gian, hoàn cảnh, con người v.v… Và không một vật thể nào có thể định hình, tồn tại và được nhận biết nếu chỉ có một mình!

Việc này giúp bạn hiểu và dần gỡ đi những niềm tin, mặc định về bản thân. Ví dụ, con người ta thường có xu hướng khi thành công thì nghĩ là do mình giỏi, khi mình thất bại thì thường có xu hướng đổ lỗi cho người khác và trách móc bản thân. Điều này dẫn đến các cực như là hoặc kiêu căng, ích kỉ, ngạo mạn hoặc đổ lỗi, thiếu trách nhiệm và tự ti! Cả 2 cực này đều khiến tâm dao động, mất đi trạng thái tĩnh lặng của tâm tự nhiên và quan trọng là nó cũng là những Maya – các ảo giác về việc tôi giỏi hay tôi dở. Quan sát nhiều bạn sẽ thấy, bản thân mình với các tính chất không hề cố định! Điều này dẫn chúng ta trở lại luật A Chu kỳ: Mọi thứ đều luôn thay đổi, biến động!

Luật E này hướng tầm nhìn, sự quan sát của chúng ta sang hướng phải mở rộng bản thân mình. Vì mọi thứ đều được hình thành bởi một chuỗi tổ hợp các nhân tố nên theo luật nhân quả, cái tôi của bạn sẽ tốt lên khi bạn làm cho các nhân tố trong cuộc cũng tốt lên, và ngược lại! Chính vì vậy, việc làm ích lợi cho người khác thực chất cũng là cho bản thân mình nên làm việc tốt mà không mong báo đáp, không trông đợi vào hành động tốt là vì thế!

Trên đây là 5 quy luật cơ bản, vận hành song song với nhau! Kết hợp 5 luật này, ứng dụng và quan sát lại số phận của nhiều người khác nhau, bạn sẽ rất nhanh chóng nhận ra nhiều điều thú vị về cách vận hành của số phận, định mệnh! Trong vũ trụ còn có những quy luật khác nữa ngoài 5 luật cơ bản này nhưng để khởi đầu như vậy là đủ! Để đi đến tận cùng của các quy luật và đạt đến miền đất linh thánh, hạnh phúc chân thực, nên tham khảo Phật Pháp đích thực!

Nguồn: https://lenguyenquynh.wordpress.com/phap-giac-ng%e1%bb%99/

© 2020, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Comments (0)
Add Comment