Phần mềm tương lai đi tìm sự đơn giản trong tính phức tạp

Những khối thông tin mà cá nhân và doanh nghiệp xử lý ngày càng phình to khiến việc quản lý và khai thác chúng trở nên khó khăn hơn. Các công cụ ảo hóa phần mềm đang được kỳ vọng sẽ góp phần đơn giản hóa “núi” dữ liệu khổng lồ ấy để nâng cao hiệu quả khi sử dụng.

Cuộc trao đổi với tạp chí Technology Review của Kristof Kloeckner, Phó chủ tịch phụ trách công nghệ và chiến lược của bộ phận phần mềm thuộc IBM, đã dự đoán con đường tiến hóa của phần mềm trong tiến trình phức tạp hóa của thông tin và phần nào phác họa phương thức mà nó có thể giúp người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp xử lý lượng dữ liệu đang gia tăng chóng mặt.

– Theo ông, đâu là những xu hướng chính thúc đẩy sự phát triển của phần mềm trong tương lai?

– Xu hướng đáng chú ý nhất tất nhiên là sự phức tạp ngày càng tăng. Chúng ta có vô khối e-mail, tin nhắn nhanh IM và các sự kiện công tác trong lịch trình. Mỗi người đều có rất nhiều thông tin phải phân loại mức độ quan trọng. Ngoài ra còn là vấn đề xác định sự liên quan của thông tin đối với nhu cầu của mỗi người cũng như độ trung thực và nguồn gốc dữ liệu đó.

Một xu hướng đáng chú ý khác sẽ là sự gia tăng các phần mềm xã hội như wiki hayblog , phần mềm cộng tác và phần mềm dành cho các cộng đồng tri thức. Sức mạnh của cộng đồng là rất to lớn. Thúc đẩy được yếu tố này trong khuôn khổ doanh nghiệp sẽ thực sự có tác dụng tăng năng suất.

Bên cạnh đó, một xu hướng mà chúng tôi cho rằng cũng rất đáng nhắc đến là “Internet 3D”. Những cuộc sống ảo như trong trò chơi Second Life đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp. Tôi không cho rằng trong tương lai mọi người sẽ 100% làm việc, họp hành trên mạng, nhưng rõ ràng chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng các hoạt động đời sống trên môi trường trực tuyến.

Cách đây 10 năm, một đối tác kinh doanh của tôi ở Đức đã cố gắng tìm cách thúc đẩy sự tương tác giữa mọi người theo cách hiển thị nội dung thông tin thuận tiện. Ở thời điểm đó, công nghệ phần mềm vẫn là một thứ gì đó mờ nhạt và vì thế mục tiêu kia có vẻ khá kỳ quặc. Còn hiện nay, chúng ta đang sống trong môi trường tương tác ấy.

– Sự phức tạp của thông tin sẽ được xử lý như thế nào?

– Tại IBM, chúng tôi có khái niệm “thông tin theo yêu cầu” (Information on Demand). Đó là sự kết hợp giữa phần mềm phân tích dữ liệu, xác định hình mẫu thông tin và cho phép hiển thị theo cách đơn giản nhất. Về cơ bản, nó sẽ giúp phô bày nội dung thông tin nằm trong dữ liệu để bạn có thể phát hiện được những cái gì quan trọng đối với mình. Hiển thị thông tin là yếu tố vô cùng quan trọng vì dù thế nào bạn cũng phải chuyển đổi những con số khô khan thành một cái gì đó dễ hiểu, và rồi tận dụng được những thông tin ẩn trong dữ liệu nhằm đạt được hiệu quả công việc. Chính khối lượng dữ liệu và nhu cầu về tốc độ xử lý sẽ thúc đẩy công nghệ “thông tin theo yêu cầu” này, để nó được chấp nhận.

– IBM đang phối hợp với các ngân hàng và hãng bán lẻ để phát triển những phần mềm quản lý dữ liệu mà họ thu thập được. Với một người sử dụng phổ thông thì điều đó có liên quan như thế nào?

– Liên quan một cách trực tiếp vì nó cho phép các doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn trước yêu cầu của khách hàng. Một công ty bán lẻ loại vừa ở Đức mà tôi hợp tác 2 năm qua đã xây dựng doanh nghiệp của họ thành một tổ hợp cung cấp hàng hóa đồng bộ, có khả năng đón bắt những xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng.

Công ty này khẳng định họ có thể tiến hành phân tích xu hướng theo thời gian thực thông qua đánh giá dữ liệu liên quan đến những thứ mà khách hàng đang mua. Điều đó giúp họ có sự cập nhật tới từng phút về xu hướng mua sắm của khách. Ví dụ, họ có thể phát hiện sớm hơn những màu sắc quần áo mà người tiêu dùng ưa thích bằng cách đánh giá những dữ liệu từ một vài cửa hàng trong tổ hợp. Thói quen mua của người tiêu dùng trong toàn bộ hệ thống cửa hàng này đều được theo dõi theo thời gian thực và các thông số được phân tích để dự đoán những xu hướng sắp đến. Nói tóm lại, với cách thức xử lý thông tin như vậy, doanh nghiệp có thể cung cấp những mặt hàng mà bạn muốn trước cả khi bạn nhận ra rằng mình thích nó.

– Những phần mềm như thế sẽ phát triển ra sao trong vài năm tới?

– Chúng tôi đang phát triển một phần mềm tốt hơn cho việc “nhìn xuyên” qua mớ dữ liệu hỗn độn như e-mail và rồi phân tích chúng thành những mô hình thông tin. Ví dụ, những e-mail mà một trung tâm dịch vụ khách hàng (call center) nhận được có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi trong phân bổ các tổng đài hoặc thay đổi trong khâu đào tạo nhân viên hỗ trợ để họ có thể xử lý tốt hơn thắc mắc của khách hàng.

P.K. (theo Technology Review)

Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

© 2012, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Comments (0)
Add Comment