Phật Tử Thờ Cúng Gia Tiên Sao Cho Đúng?

Một Bạn ở địa chỉ hòm thư “luongxuan…@gmail.com”, và một số bạn có hỏi PTPK về vấn đề thờ cúng trong nhà, khi bản thân là một Phật Tử và có lập bàn thờ Phật. Thì thờ cúng Gia Tiên và thờ Phật như nào cho đúng? không bị lỗi đạo? Đây là một câu hỏi hay và có lẽ hiện nay cũng rất nhiều gia đình, quý A/C Phật tử gặp phải. Vì vậy thay vì trả lời riêng câu hỏi này PTPK đăng tải lên đây để mọi người có thể bổ xung thêm kiến thức, hiểu biết về vấn đề này, từ đó thực hành thờ cúng cho đúng. Tránh việc lỗi đạo cả hai (đạo phật, tín ngưỡng thờ cúng) thì việc thờ cúng không những trở nên vô nghĩa mà đôi khi còn làm cho gia đạo trở nên bất an, làm ăn thất thường, thậm chí tán gia bại sản… Trong khuôn khổ bài viết này PTPK chỉ dành cho những gia đình là Phật Tử. Dựa trên những kinh nghiệm, hiểu biết khảo nghiệm thực tế về vấn đề tâm linh trong suốt quá trình làm việc và dựa trên những kiến thức có được khi được học hỏi, trao đổi đàm thoại với những vị cao tăng, đại đức, các vị đạo gia và những đạo hữu như : Thầy Thích Viên Thành (trụ trì Chùa Hương trước đây), Thầy Bùi Long Thành (Võ Sư, Khí Công Sư và là đệ tử của Đại Sư Huệ Nghiêm), Đạo trưởng Lưu Quang Tuấn (Lưu Gia Đạo)… Hy vọng rẳng bài viết hữu ích với quý vị và các bạn.

1) Thờ Phật :


Là một Phật Tử chắc hẳn trong chúng ta ai cũng mong muốn có được một ban thờ Phật, để hằng ngày có thể chiêm bái, cúng dường và có nơi hướng đến tu tập. Trước đây có người từng hỏi PTPK : 
– “Có ý kiến cho rằng, Phật thì chỉ thờ trên Chùa không nên thờ Phật trong nhà – Ý kiến này liệu có đúng?” . 
PTPK trả lời ngay : 
– “Đây là một ý kiến hấp tấp, còn nếu người nói khăng khăng cho là đúng thì đó là một ý kiến tồi, và lộ rõ sự không hiểu biết sâu về Đạo Phật”. 
Tại sao lại như vậy? chúng ta cùng xem xét, phân tích vấn đề. Thứ nhất : Phật hay Hình Tượng Phật không phải để thờ. Trong hầu hết tất cả các kinh điển chúng ta đọc và được nghe, không có khái niệm thờ Phật mà chỉ có sự chiêm bái, cúng dường lên Chư Phật, Chư Bồ Tát. Tức là về nghĩa đen chúng ta ngắm nhìn các tướng tốt của Đức Phật (gồm 32 tướng), về nghĩa bóng sâu xa hơn là ngắm nhìn lòng từ bi, mẫn cán, thanh tịnh của Chư Phật, để quán chiếu với tâm của ta. Từ đó chúng ta dâng cúng các vật phẩm có giá trị sử dụng như Nước, Thực Phẩm, Hoa, Y Phục, Hương thơm (để xông, để ngửi), thuốc men…. lên Chư Phật thể hiện sự kính trọng, chăm sóc… của ta với Bậc Thầy dẫn dắt của mình. Sau khi Đức Phật nhập diệt thì để cho các Đệ Tử của người có nơi hướng đến, chiêm bái, cúng dường trong quá trình tu tập nên mới có tranh ảnh, tượng pháp… Chứ cứ bảo ta tự tưởng tượng ra Phật để hằng ngày hướng đến thì khó quá, nhất là với những người mới bắt đầu tu học. Như vậy chúng ta thấy Ban Thờ Phật đơn giản chỉ là nơi ta lập nên để hằng ngày hướng đến Chiêm Bái, Cúng Dường… như lúc Đức Phật còn tại thế? hằng ngày ngắm nhìn tướng Pháp của Ngài để quán chiếu với tâm của ta, xem như Ngài đang hiển hiện, dõi theo công phu tu trì của ta hàng ngày. Chứ hoàn toàn không có ý nghĩa thờ cúng gì cả, sự thờ cúng theo nghĩa chúng ta đang hiểu (thờ thánh, thần, gia tiên…) mà áp dụng vào với Chư Phật thì đó là sai hoàn toàn, vậy nên tóm lại chúng ta chỉ cần hiểu Ban Phật chỉ là nơi để chúng ta hướng đến hàng ngày khi tu trì, trước mỗi thời cung phu chúng ta coi như đang ngồi trước Đức Phật ngắm nhìn, đảnh lễ, dâng vật phẩm lên Ngài thọ dụng rồi Tu Tập theo giáo lý ngài đã tuyên thuyết. Chứ đừng Khấn vái cầu xin Phật che chở, phù hộ cho mạnh khỏe, ăn nên làm ra… cái gì cả. Tất cả những cái đó theo quan điểm Phật Giáo thì đều là do nhân quả báo ứng, chúng ta cứ gieo nhân tốt ắt sẽ có lúc hưởng quả tốt, không phải xin ai cả. Nhất là xin Phật, PTPK dám chắc với các bạn, Phật chả cho gì các bạn đâu ngoài mỗi giáo lý dẫn dắt các bạn thoát khỏi luân hồi, sinh tử nếu các bạn chịu nghe và làm theo.


Như vậy đến đây các bạn có thể thấy ý kiến kia sẽ là ý kiến tồi nếu không cho ta được lập Ban Phật. Còn sẽ là hấp tấp nếu như vội vàng đưa ra chỉ định như vậy, bởi khi đã lập Ban Phật thì chúng ta phải giữ cho nhà chúng ta luôn Thanh Tịnh, Sạch Sẽ, Hòa Nhã… Có như vậy mới bày tỏ được sự kính trọng thật sự, và quyết tâm tu hành… ngược lại thì không nên bởi sẽ làm ảnh hưởng đến tất cả. Chúng ta thử tưởng tượng nếu coi như có Phật trong nhà, nhưng trong nhà luôn căng thẳng, cãi cọ thì liệu có nên??? Nhưng theo quan điểm của PTPK thì đã là Phật Tử dù có hay không Ban Phật chúng ta cũng đều phải giữ tất cả những điều trên trong gia đình, như thế mới là Phật Tử đúng nghĩa và sẽ không làm ảnh hưởng đến sự tu tập.
* Rồi! xong vấn đề Thờ Phật, bây giờ chúng ta xem xét sâu hơn quan điểm của Đạo Phật với sự thờ cúng. 
– Vấn đề thứ nhất : Đạo Phật cho rằng con người ta phải chịu luân hồi, sinh tử. Nghĩa là khi chết đi chúng ta sẽ phải tùy vào nghiệp lực mà sinh vào một trong 6 cảnh giới đã định, không có ngoại lệ nếu như chúng ta không thể tu tập lúc sống để vào được Niết Bàn thoát khỏi luân hồi, sinh tử, và một khi đã vào một trong 6 nẻo luân hồi thì chẳng còn gì ràng buộc với thân quyến, thực ra theo quan điểm Đạo Phật thân quyến lúc sống (bố mẹ, ông bà, chồng vợ, con cái, bạn bè…) đều do nhân duyên từ nhiều kiếp để gặp lại báo đáp, trả ân, đòi nợ… đến khi duyên hết thì sẽ tự tan chứ chẳng có gì ràng buộc cả.
– Vấn đề thứ hai : Đã quy y Phật tức đã theo Phật thì chúng ta không được quy y các loại quỷ, thần… nào khác. Hiểu rõ hơn thì tức là chúng ta đã theo Phật để học đạo, để thoát khỏi sinh tử… thì chúng ta không được lập thờ, hay theo học, nghe giảng… bất kỳ một loại đạo, quỷ, thần… nào.
– Vấn đề thứ ba : Chính là nhân quả. Tức là tất cả mọi thành quả tốt – xấu… đều do nhân duyên ta làm lúc trước mà thụ hưởng.
Như vậy chúng ta thấy nghĩa là chúng ta sẽ chẳng thể thờ (chẳng phải thờ) cúng ai cả ngay cả người thân trong gia đình, vong linh tổ tiên, ông bà… Và một điều hiển nhiên có thờ thì họ cũng chẳng thọ dụng được gì, khi mà họ đã đầu thai…chứ đừng nói đến việc thờ Thần (chẳng hạn Thần Tài). Càng không thể cúng bái, cầu xin các thần cho con cái này, cho con cái kia… Nếu chúng ta vi phạm tức là chúng ta đi ngược hay làm sai đi giáo lý của Đức Phật, như thế thì Phật Giáo chẳng có ý nghĩa gì với ta nữa. 
Qua phân tích trên chúng ta thấy rõ ràng quan điểm của Phật Giáo không có sự thờ cúng, cầu xin và càng không có tục đốt vàng mã, phong thủy hay bất kỳ cái gì khác. Chỉ có sự tu tập (có thể nhiều kiếp) theo giáo lý Đức Phật đã tuyên thuyết để thoát khỏi luân hồi mà thôi.
* Đến đây PTPK cũng xin nói thêm để quý Phật Tử được rõ. Riêng trong quan điểm của Phật Giáo Mật Tông thì có sự hỗ trợ từ các vị Thần, đóng vai trò là các vị Hộ Pháp, Bảo Hộ Phật Giáo hoặc các hành giả. Trong đó có cả hỗ trợ Tài Vận. Vấn đề này PTPK sẽ có bài viết riêng để mọi người hiểu rõ, tránh nhầm lẫn và hiểu nhầm.

2) Tín Ngưỡng Thờ Cúng :

Khi nói đến tín ngưỡng thờ cúng thì ai trong chúng ta đều hiểu, đây là một tập tục có từ lâu đời của người Phương Đông nói chung và của Việt Nam ta nói riêng. Xuất phát từ tự nhiên (những cái con người ngày xưa chưa lý giải được), từ sự hiếu lễ, uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên hoặc người có công với Đất Nước, Làng Xã… được phong Thần, Thánh. Tục lệ và Lễ Nghi trong thờ cúng được xuất phát và pha trộn giữa các giáo phái như Đạo Giáo, Nho Giáo, Đạo Mẫu, Đạo Khổng… trong quá trình phát triển những gì thích hợp được sử dụng đại trà, hòa quyện với những kinh nghiệm, tập tục trong dân gian lâu ngày trở thành phong tục, tập quán… của Dân Tộc hay vùng miền. Ở đây PTPK không đề cập quan điểm của từng giáo phái mà sẽ chỉ đề cập đến tín ngưỡng riêng trong thờ cúng Thần Linh – Gia Tiên của Dân Gian ta được các cụ từ xưa truyền lại. Thực tế PTPK đã có nhiều bài viết về vấn đề thờ cúng này, mọi người có thể tìm đọc lại ở các bài viết trước để hiểu sâu hơn.


Trước hết chúng ta phải hiểu trong quan điểm dân gian mỗi người chúng ta sẽ có 3 lần sinh ra và 3 lần chuyển hóa (chết đi) gọi là Duyên Nợ Ba Sinh. Lần thứ nhất sinh ra trên Dương Gian, lần thứ hai là sinh ra dưới Địa Phủ và lần thứ 3 là trên Thiên Giới. Cả 3 lần này là 3 lần sinh sống khác nhau, mỗi Kiếp là 100 năm. Khác với Phật Giáo – Dân Gian (Nho Đạo) cho rằng Linh Hồn có tính Huyết Thống, tức là khi chết xuống Âm Phủ được gọi là Ma có năng lực độ trì trong phạm vi gia đình, Khi lên Thiên Đàng sẽ có năng lực phù trì mạnh hơn phạm vi trong Dòng Tộc, Quốc Gia (những người được phong thần thánh…) Khi đến kiếp sống thứ 3 này Linh Hồn hoàn thành chu kỳ hấp thụ Nguyên Khí Đất Trời (hay còn gọi là Tu Luyện) trở nên Siêu Thoát, không còn phải Đầu Thai nữa mà là đấng Linh Tiên. 


Quan điểm Dân Gian cho rằng một năm ở Thiên Giới bằng 36 năm dưới trần gian và 36 năm trên trần gian bằng 100 năm dưới địa phủ. Vì vậy mới có chuyện Từ Thức gặp Tiên đến khi quay về chốn cũ thì đã 80 năm trôi qua. Cũng chính vì vậy người xưa tin rằng sau 36 năm thì không còn cần thiết đến mộ phần nữa, và có thể đem chôn người mới vào đó vì lúc đó linh hồn lên Thiên Giới thành tiên rồi, mộ phần không còn quan trọng, các Vong Linh lúc đó có thể quy tập thờ chung ở nhà thờ họ. Quan niệm như thế nên Người xưa xây mộ thường xây bằng loại gạch Bản, sau vài chục năm sẽ tự hủy (ngoại trừ những phần mộ vua chúa muốn lưu giữ lại). Ngày nay chúng ta theo phong trào xây mộ bê tông cốt thép không những tương lai không còn đất chôn mà khoảng 100 năm nữa có thể sẽ thành vô số mộ hoang, không ai chăm sóc. Đến đời Chút, Chít của Ta liệu có còn bao nhiêu % gia đình ra thăm mộ Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ hương khói? Quê nhà của PTPK hiện nay có không ít gia đình có Cháu gọi người mất bằng Cụ mà đã có đứa không biết (chả quan tâm) mộ cụ ở đâu??? Người xưa mà như chúng ta ngày nay thì đã không có đất chôn từ lâu rồi.
Đến đây chúng ta thấy rằng quan điểm Tín Ngưỡng Dân Gian này, không có kiếp trước nào cả. Mà mỗi Linh Hồn đầu tiên ở Thể Phách gồm 9 Phách giao thức, mỗi Phách lưu giữ những giữ liệu của Vũ Trụ, năng lượng… kết nối với 7 Tinh Phách của tạng phủ con người, từ đó hình thành nên Phôi Thai. Địa Phủ cũng có 7 tầng Vía, Thiên Phủ cũng có 7 tinh tú kết nối thường hằng với 7 tinh Phách của con người. Khi chết đi linh hồn không xuống địa phủ ngay được mà phải qua 7 cửa ngục thất, mỗi cửa là 7 ngày. Như vậy tổng cộng sẽ là 49 ngày. 49 ngày này linh hồn chưa được chuyển hóa cuộc sống mới vì vậy nên mới phải cúng cơm, như lúc còn đang sống trên dương gian. Linh hồn nào Đức Độ thì có cuộc sống tốt đẹp, linh hồn nào phạm tội thì sẽ chịu hình phạt và giam cầm và nếu không chịu tỉnh thức thì sẽ càng bị đày xuống các tầng thấp hơn, trở nên ngu si đần độn thành linh hồn súc vật. Linh hồn của trẻ Sơ Sinh hoặc người chết trẻ (rất trẻ) thì sẽ được siêu thoát sớm nhất, chính vì vậy người xưa mới cho rằng Bà Cô Ông Mãnh linh thiêng là vì vậy.


Như vậy chúng ta thấy phong tục thờ cúng là để tưởng nhớ đến người đã mất, chết không phải là hết, mà vẫn có sự liên hệ mật thiết với những người thân sống ở một trong 3 thế giới Dương Gian – Địa Phủ – Thiên Phủ. Và như thế người xưa luôn quy tụ nghĩa trang của dòng họ mình, để tập trung những linh hồn cùng Huyết Thống được sum vầy bên nhau cũng có nghĩa là 7 tầng tinh thức luôn luôn giao hòa, đây chính là yếu tố “Dương Phù – Âm Trợ”. Khoa Phong Thủy Âm Trạch cũng chính là để đảm bảo yếu tố này một cách tốt nhất, khi năng lượng tinh thức đủ mạnh thì chắc chắn dòng họ đó sẽ phát phúc, hơn người… Ngược lại nếu không thể kết hợp thì chắc chắn sẽ tan vỡ lụi bại vì không thể tương tác với nhau. Điều này cũng là để lý giải tại sao trong cuộc sống có người có thể cảm nhận, biết trước được tai họa (linh cảm) hoặc người thân gặp nạn thì rất nóng ruột, bồn chồn…
Từ những quan niệm trên trong quá trình thờ cúng và gửi đến người thân ở thế giới khác, người xưa luôn chuẩn bị các lễ vật đầy đủ, vàng mã, trang sức… theo quan điểm “Trần Sao – ÂM Vậy”, từ đó mới có tục đốt vàng mã (thay thế cho đồ thật), cúng cơm, giỗ chạp… Cầu xin thần linh – gia tiên về phù trợ….và trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh, truyền thống của người Việt được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

3) Vậy Phật Tử Chúng Ta Phải Làm Sao?

Đến đây thì Quý Vị đã hiểu rõ sự khác biệt rất lớn trong quan điểm của Phật Giáo và Tín Ngưỡng. Nói một cách khác chúng ta không thể dung hòa hai thứ vào làm một, bởi vì hai quan điểm hoàn toàn khác xa nhau, cách làm khác nhau. Khi cố tình lồng ghép – bẻ cong thì hiển nhiên là lỗi Đạo được bên này mất bên kia. PTPK đã từng chứng kiến rất nhiều vị mồm thì cứ leo lẻo đọc Chú Đại Bi, kinh Phật… nhưng bày rất nhiều đồ ăn, thịt thà, bia rượu… đủ cả trên án thờ. Không hiểu người cúng nghĩ gì? Đại Bi Tâm Chú là thể hiện cả một tấm lòng Từ Bi – Bao Dung – thương chúng sinh hơn biển cả của Bồ Tát, thế mà nỡ phanh thây phơi bày thịt chúng sinh trước mặt sao??? Cho nên sẽ là điều dễ hiểu khi hiện nay càng ngày càng có nhiều gia đình bất ổn Con cái giết cha mẹ ông bà, vợ chồng đánh, giết nhau, loạn luân, coi thường đạo lý, làm ăn suy bại… mặc dù Phật Giáo hay chuyện thờ cúng hiện nay phát triển hơn bao giờ hết. Những năm 90 trở về trước, chúng ta không bao giờ thấy Sư Thầy đến Cúng, Lễ tại gia. Càng không có chuyện lên Chùa nhờ xem ngày lành tháng tốt, cũng chẳng cần có ban hộ niệm lúc sắp lâm chung, hay lập đàn Phật lúc Tang Gia… 


Ngươc lại nếu như chúng ta thờ cúng Tổ Tiên, Ông Bà… mà không có Lễ Mặn (Xôi, Thịt, Rượu…) hoặc vàng mã thì cũng sẽ là lỗi với đạo gia tiên, thờ cúng. Vậy khi đã là Phật Tử (theo Phật) chúng ta có được thờ gia tiên không? và khi thờ có được thực hiện các lễ nghi, tập tục theo cổ truyền không? câu trả lời xin thưa là “Có”. 
Phật Giáo luôn đề cao chữ Hiếu làm đầu, khi chúng ta thờ cúng với mục đích nhớ ơn Tổ Tiên thì đó là Báo Hiếu. Hơn nữa quan điểm của Phật Giáo khá cởi mở khi cho phép được dung hòa thêm với các quan điểm khác. Điều này giúp cho Phật Giáo có thể bén rễ ở hầu hết mọi nơi, dung hòa mọi tôn giáo bản địa và không bị xung đột với quan điểm của từng vùng miền. Nhưng khi đã dẫn dắt người ta vào đạo thì lúc đó Phật Giáo mới định hướng tư tưởng tu tập cho chúng ta, vì vậy mới có thời kỳ Tam Giáo Đồng Nguyên. Nhưng xin nói thêm rất tiếc hiện nay lợi dụng quan điểm này của Phật Giáo mà có những vị Sư thản nhiên đi “Hầu Đồng”, Vàng mã đốt tràn lan trong Chùa (vừa rồi giáo hội Phật Giáo phải lên tiếng đưa ra văn bản cấm không cho đốt vàng mã trong chùa), Bắt Ma Trừ Tà đủ kiểu cả… 
Như vậy đến đây Phật Tử chúng ta có thể thoải mái thờ Gia Tiên không sợ trái đạo. Tuy nhiên chúng ta phải thờ sao cho đúng, cố gắng tránh lỗi đạo? dưới đây là những lời khuyên của PTPK dành cho Quý Vị Phật Tử.
1) Nếu có thể hãy dành một không gian riêng để lập Ban Phật và Ban Thờ Gia Tiên ở hai nơi khác nhau. Điều này nói chung là tương đối khó nhất là nhà ở các thành phố.
2) Ban Phật phải luôn cao hơn Ban thờ Gia Tiên. Nằm về phía bên trái của Ban Thờ Gia Tiên (theo hướng Ban Thờ Gia Tiên nhìn ra), không đè lên (nằm trên) Ban Thờ Gia Tiên. Nếu có thể hãy Lập Ban Phật tại vị trí chính giữa gian nhà (phòng), còn Ban Thờ Gia Tiên nằm ở bên trái so với Ban Phật. Điều này để đảm bảo khi chúng ta thực hành nghi quỹ sẽ không gây ảnh hưởng tới Gia Tiên. Chẳng hạn khi chúng ta Lạy Phật, nếu Ban Thờ Phật bên trên Ban Thờ Gia Tiên thì vô hình chung Gia Tiên cũng sẽ nhận cái Lạy đó, điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho Gia Tiên và cho chính Công Đức của chúng ta.
3) Vào ngày Giỗ của vị Gia Tiên trước ngày Chính Giỗ (Cát Kỵ) theo tục lệ sẽ có Lễ Tiên Thường, tức là ngày giỗ trước, còn gọi là cúng cáo giỗ. Cúng cáo giỗ là để báo cho người đã khuất biết ngày hôm sau về hưởng giỗ, đồng thời là để báo với Thần linh, Thổ Địa nơi để mộ người đã khuất cũng như Công Thần Thổ Địa tại gia cho phép hương hồn người đã khuất được về hưởng giỗ. Vào ngày Tiên Thường này Phật Tử chúng ta hãy tổ chức Lễ Phật, cúng chay cầu siêu, hổi hướng công đức cho vị gia tiên đó. Rồi qua đến ngày hôm sau tức Giỗ Chính chúng ta không cúng Phật nữa (nếu có thời công phu tu tập vào buổi sáng, chiều… chúng ta cứ thực hiện như bình thường, xong rồi thì không dâng hương nữa). Đến giờ Giỗ thì chúng ta cứ dâng hương, cúng cơm cho Gia Tiên như bình thường. Đối với các Ngày Lễ tết khác trong năm cũng vậy, chúng ta cúng dường – tu tập thời khóa Phật xong xuôi rồi mới đến bày biện các đồ lễ cúng gia tiên.
4) Tất cả đồ cúng mặn, chúng ta mua sẵn ngoài chợ, không thực hiện sát sinh tại Gia vào bất kỳ lúc nào.
5) Đối với đồ vàng mã chúng ta có thể đốt, nhưng lưu ý hãy đốt thật ít không cần nhiều. Giống như chúng ta biếu ông bà, cha mẹ một chút tiền hoặc một bộ quần áo khi còn sống vậy. Với tâm tưởng như thế thì không vấn đề gì, còn ngược lại nếu lạm dụng vào vấn đề này thì quý vị đã không còn là Phật Tử đúng nghĩa nữa rồi.
6) Khuyên bảo tất cả người thân hãy tích đức, tu tập khi còn sống, bởi đạo Phật là dành cho Người Sống, không phải Người Chết. Khi chết rồi không nên lấy Đạo Phật ra tụng kinh hồi hướng, cầu cho vong linh siêu thoát làm gì cả, khi mà chính vong linh đó khi sống không chịu tu tập, tích đức… Chúng ta tụng kinh, trì chú hằng ngày thì bản thân lợi lạc, còn lại chỉ có một phần nhỏ là hồi hướng được cho hết thảy chúng sinh (bao gồm cả gia tiên của mình). Vì vậy việc Lập Đàn Cầu Phật giúp vong linh siêu thoát là vô nghĩa với cả Đạo Phật lẫn Tín Ngưỡng (không cần thiết). Quan điểm của Đạo Phật rất rõ ràng, có được Thân Người là Phúc Báo rất lớn, là phương tiện rất tốt giúp chúng ta tu tập, sau khi chết nếu vào cảnh giới Ngạ Quỷ hay Súc Sinh… thì còn tu gì nữa? Quan điểm của Đạo, Nho Giáo thì cũng rõ ràng đã sang một kiếp sống khác rồi thì cũng chả cần cầu gì cả. Có chăng thì khi tu tập chúng ta gửi đến Gia Tiên như một lời nhắn nhủ hướng tâm tu luyện để có được nguồn năng lượng sạch, xóa bỏ thanh trọc Sa Khí để linh hồn có nhiều Nguyên Khí.
Như vậy đến đây PTPK đã chia sẻ với các bạn quan điểm giữa Đạo Phật và Đạo Gia (Tín Ngưỡng), hy vọng rằng bài viết mang lại thêm kiến thức cho các bạn, giúp các bạn nhìn nhận rõ vấn đề để định hướng cho bản thân thờ cúng sao cho đúng và đạt được hiệu quả mong muốn.

© 2018, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Comments (0)
Add Comment