Phương Pháp Dùng Bể Cá Cảnh Đúng Phong Thủy

 Hiện nay nhiều gia đình có thú chơi Bể Cá Cảnh. Đây vừa là thú chơi, đồng thời cũng là một “Vật” trưng bày trang trí cho phòng khách, tạo nên một không gian sống động, góp phần tăng thêm vẻ đẹp, sự sang trọng cho không gian sống trong nhà. Dưới góc độ Phong Thủy, từ xa xưa các nhà Phong Thủy Học đã sử dụng “Vật Khí” này một cách hữu hiệu để tăng thêm cát lợi, may mắn về tiền bạc, tài vận, tránh những rủi ro, tai họa do không được sử dụng đúng cách. Bởi Bể Cá Cảnh là một Vật Khí có trường năng lượng khá lớn, đủ sức để làm thay đổi hoàn toàn năng lượng, môi trường của Bản Trạch. Vậy đặt và sử dụng Bể Cá sao cho đúng PT để được cát lợi nhất? đó chắc hẳn là câu hỏi của nhiều người. PTPK đã có một số bài viết về chủ đề này, hôm nay theo ý kiến của nhiều bạn PTPK sẽ tổng hợp lại và chia sẻ – hướng dẫn các bạn phương pháp để dùng “Vật Khí” này sao cho chuẩn xác nhất. Nếu được làm đúng cách, chính xác thì Tài Vận của những người trong nhà sẽ thay đổi rất nhanh và hiệu quả.

 I)- Trước tiên chúng ta cần biết rằng bản thân Bể Cá cảnh theo  Phong Thủy, thông thường sẽ phải có đầy đủ các yếu tố Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) để bể cá có được nguồn năng lượng cân bằng nhất. Nhưng thực tế hiện nay điều này không được đảm bảo theo yêu cầu dù là tối thiểu nhất. Về nguyên tắc Bể Cá càng lớn thì càng vượng thủy, tức năng lượng thủy lớn nhất, điều này chỉ thích hợp khi đặt tại những cung có hướng tinh đương vượng hoặc những sơn vị tiếp thủy, khơi thủy (về mặt Thủy Pháp), nhưng suy cho cùng thì vẫn không thể tốt cho bản trạch bởi sẽ làm sai lệch trường khí, năng lượng của các cung nhất là những cung vị khắc thủy hoặc sinh thủy. Khi năng lượng mất cân bằng quá lớn sẽ xảy ra các hiện tượng không tốt về sức khỏe, tâm thần… cho những người sinh sống trong đó, bởi việc xáo trộn năng lượng gây ra. Từ những điều trên, chúng ta thấy việc cần thiết phải thiết kế và tạo ra sự cân bằng Ngũ Hành cho chính Bể Cá, các yếu tố Ngũ Hành trong bể cá được tính như sau :
1) – Kim : máy bơm, máng lọc, thân đèn, đồ trang trí… Mọi người lưu ý sử dụng cả màu sắc, hình dáng để đạt yếu tố NH này.
2) – Mộc : Cây trang trí trong bể, màu sắc tranh ảnh nền, bệ đặt bể…
3) – Thủy : Nước bể cá.
4) – Hỏa : đèn điện, các thiết bị điện… Mọi người lưu ý sử dụng cả màu sắc, hình dáng để đạt yếu tố NH này.
5) – Thổ : Cấu tạo thân bể, đá sỏi, đất… 
Như vậy dựa theo đặc tính, chủng loại bể mà ta sử dụng các loại vật liệu, trang trí… sao cho phù hợp. Chẳng hạn với một bể cá Thủy Sinh chúng ta thấy có năng lượng Thủy, Hỏa (do phải dùng đèn công suất lớn), Mộc (cây thủy sinh nhiều) là lớn nhất, bây giờ chúng ta phải khéo léo kết hợp hai yếu tố còn lại đó là Thổ (đã ở mức trung bình do cấu tạo bể bằng kính) và Kim, sao cho hài hòa bằng cách dùng tranh ảnh nền hoặc đồ trang trí.

II)- Mệnh gia chủ :
 Về nguyên tắc thì đây là yếu tố đầu tiên khi quyết định có nên “chơi” Bể Cá hay không? Thực chất yếu tố này được tính toán và lấy phần lớn của môn Lý Số, chứ trong PT thì không có yếu tố này. Nói rõ hơn về mặt PT thì việc có dùng bể cá hay không, không liên quan đến mệnh chủ. Con người chịu sự tác động của môi trường sống, năng lượng vũ trụ và xung quanh… chứ không phải người này thì “chơi” được, người kia thì không. Còn nhân tố con người khi tính toán đến thực thể bằng các môn như : Tử Vi, Tứ Trụ, Tử Bình… thì có trường hợp đã vượng về Thủy hoặc khắc Thủy và một số trường hợp khác… Để đảm bảo cho bản mệnh, không bị suy yếu do xung khắc thì các nhà lý số sẽ khuyên hoặc không dùng yếu tố này cho những người có mệnh vượng hay khắc thủy… Và như thế thì đương nhiên những đối tượng này sẽ được khuyên không nên có bể cá trong nhà. Ngược lại có những người Khuyết Thủy hay Suy Thủy thì cần (nên) sử dụng Bể Cá như một phương tiện trợ giúp, bù đắp. Ngoài ra còn một yếu tố phải kể đến đó là những người Khí Lực yếu (dương khí yếu), khi quan sát thì các nhà Tướng Pháp cũng khuyên không nên dùng, hoặc chỉ dùng bể nhỏ bởi Bể Cá có năng lượng Âm lớn, sẽ lấn át hoặc làm suy yếu thêm cho mệnh chủ. Từ các điều trên cuối cùng lâu dần yếu tố này được xem như một phần để chọn lựa cân nhắc trước khi dùng Bể Cá.

III) Chọn Loại Bể – Kiểu Dáng – Số Lượng Cá Thả :
 Tùy theo Bản mệnh hay cung vị dự tính đặt bể để chúng ta chọn lựa bể cho thích hợp. Có nhiều loại bể như : Thủy Sinh, Bể nuôi cá (loại chỉ để nuôi cá như cá rồng), Bể Khô (Hư Thủy) chẳng hạn dùng nuôi các loại động vật sống cạn hoặc cần ít nước. Chẳng hạn ở những nơi có các cặp sao hỏa khí thì chúng ta nên dùng Bể Thủy Sinh, ở những nơi có cặp sao Thủy Khí chúng ta nên dùng bể nuôi cá… Ngoài ra với kiểu dáng bể thì tùy vào cung vị đặt bể ta nên trọn kiểu dáng cho phù hợp với Ngũ Hành cung vị đó, điều này sẽ giúp cân bằng Ngũ Hành tại đây. Ví dụ với kiểu bể vuông vắn ta nên dùng cho các cung Ly (Nam), Cấn (ĐB)…
 Về màu sắc, số lượng cá thả thì chúng ta có thể áp dụng theo hà đồ lạc thư để phân định, ví dụ bể đặt tại cung Khôn (TN) theo Hà Đồ thì đây là cung có sao Nhị Hắc (2) ta nên thả 8, 9 con cá màu đỏ hay vàng. Ngoài ra có ý kiến là sử dụng Phi Cung của Mệnh Chủ để xác định, nhằm bổ trợ cho mệnh chủ. Tuy nhiên theo PTPK thì nhất thiết nên theo cung vị đặt bể mà lựa chọn.

IV) Vị Trí Đặt Bể :
 Hiện nay có nhiều phương pháp để chọn lựa cung vị đặt bể, đây cũng là khâu khó nhất, và cũng là khâu quyết định sự vượng suy khi sử dụng Bể Cá như một Vật Khí Kích Tài. Như PTPK đã nói ở trên, Bể Cá là một Vật Khí hữu hiệu nhất để sử dụng trong những trường hợp cần kích tài hoặc làm luân chuyển dòng khí trong nhà từ đó sẽ tăng cường, kích hoạt năng lượng tốt cho bản trạch. Tuy vậy mỗi phương pháp (môn) Phong Thủy khác nhau sẽ có những cách đặt bể cá khác nhau. Với những người mới làm quen với PT sẽ khó có thể chọn lựa được một cách chính xác, hoặc cực kỳ lúng túng khi không biết nên sử dụng phương pháp nào. Vì thế trong phần này PTPK sẽ lược bỏ và chỉ nêu lên các yếu tố, phương pháp dựa trên kinh nghiệm và hiệu quả đạt được đã kiểm chứng, nhằm giúp cho bạn đọc khỏi rơi vào mê cung chọn lựa và có được định hướng chuẩn xác.

A) Về hình thể Loan Đầu khi đặt bể cá chúng ta cần lưu ý các yếu tố sau :
 1) – Không được đặt bể cá ở những nơi quá tối, những nơi có cường độ ánh sáng thấp hoặc quá sáng. Nếu ở vị trí này phải bổ xung đèn cho bể cá hoặc che vợi ánh sáng. Nhất là không được để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào Bể sau đó phản  lại vào trong nhà, đây là thế “Gương Soi Chậu Máu” hoặc “Phản Quang Sát” sẽ dẫn đến : Ngoại Tình, Gia Đình Ly Tán, Tai Họa Bất Ngờ…
 2) – Không được đặt bể cá gần khu vực Ban Thờ, hoặc tượng Tài Thần. Nhiều nhà hiện nay đặt Bể Cá gần ban Thần Tài sẽ làm cho Chính Thần hạ Thủy, Sách Thanh Nang Tự đã viết “Sơn (Chính) Thần phải ở trên núi, không được xuống núi” – ý chỉ là Phải ở nơi cao ráo, chứ không thể ở nơi có nước, trũng thấp. Vì vậy đây là một việc hết sức sai lầm và tai hại. Sẽ nhanh chóng dẫn đến suy bại trong làm ăn, kinh doanh. Hoặc công việc thăng giáng thất thường, chịu nhiều áp lực.
3) – Không được đặt bể cá trong phòng ngủ, phòng thờ, phòng vệ sinh, phòng làm việc, đặt gần Két Sắt, Bàn Thu Ngân… Khi bể cá đặt tại những vị trí này sẽ làm cho ảnh hưởng tới gia chủ dễ rơi vào những hoàn cảnh như : Ngoại Tình, Mất Tinh Thần, Mệt Mỏi, mất khả năng tập trung, Hao Tài…

4) – Không để bể cá giữa cửa hoặc chắn lối đi, hoặc chiếm một phần lối đi. Điều này sẽ làm ngăn chặn dòng khí luân chuyển, đi vào. Ngoài ra còn làm khuấy động phương vị sát vào những năm có các đại sát đáo đến đặc biệt ở cửa chính. Trước đây PTPK có xem và tư vấn cho một nhà hàng có đặt một bể cá lớn chiếm một phần của cửa ra vào, kết quả là tuy có lượng khách ra vào nhưng hiệu quả doanh thu kém. Đến năm có Thái Tuế, Ngũ Hoàng đáo hướng thì nhân viên tự ý bỏ việc nhiều, hoặc gặp tai nạn, bản thân ông chủ thì cùng năm đó đi xe máy bị tai nạn gãy tay.
5) – Không nên đặt Bể cá xung đối diện chân cầu thang, điều này dễ làm cho người đàn ông trong nhà hay ra ngoài, dễ bỏ bê gia đình.
6) Không đặt bể cá bên Bạch Hổ (tức bên phải từ trong nhìn ra), tuy nhiên cái này chỉ đúng khi tất cả các yếu tố khác đều xấu sẽ làm tai họa phát sinh, do Bạch Hổ bị động. Còn lại một số trường hợp chúng ta vẫn có thể đặt bình thường và vẫn phát như thường. Chẳng hạn trong vận 8 này với nhà Tọa Nhâm hướng Bính, PTPK đặt bể cá cho một gia chủ tại sơn Mùi cung Khôn. Sau 3 năm thì có sự chuyển biến rõ rệt, khác hẳn những năm đầu trước đó. Đây là cung vị của Linh Thủy và theo trạch bàn thì có sao Cửu Tử là hướng tinh, chỉ cần chọn lựa Bể Cá thích hợp sẽ có hiệu quả ngay. Như vậy trường hợp này chúng ta thấy dù đặt tại Bạch Hổ nhưng không những không ảnh hưởng mà còn phát tốc.

B) Về Địa Khí, Huyệt Mạch :
  Thông thường với phương pháp này chúng ta kiểm tra mức độ năng lượng của từng vị trí dự định đặt bể. Tính toán để phân biệt, nhận định các cung Hung – Cát. Về nguyên tắc chúng ta phải tránh vị trí địa khí ra vào, xung phát, các cung có trường năng lượng Âm hoặc Dương Mạnh. Tránh vị trí là Long Huyệt (nếu có) hay các cung thuộc Dương – Âm Quý Nhân.

C) Lý KHí :
 Phần này có nhiều phương pháp triển khai như : Huyền Không, Đại Quái, Thủy Pháp, Mật Pháp… Tùy theo sở trường của mỗi người để áp dụng sao cho hiệu quả cao nhất. Tuy vậy để đơn giản và có hiệu quả cao chúng ta có thể áp dụng Huyền Không Phi Tinh, bởi trường phái này rất dễ áp dụng và đạt hiệu quả cao cho trường hợp này. Về cơ bản chỉ cần thỏa mãn các yếu tố thực địa kết hợp để cho các sao Phi tinh đắc cách là sẽ phát huy hiệu quả của Huyền Không. Ở phương pháp này sau khi lập tinh bàn trạch vận cho căn nhà chúng ta chỉ cần chú trọng đến các sao hướng tinh đương vận là vượng tinh hoặc các sao sinh khí, những vị trí này đều có thể đặt bể cá. Tuy nhiên phải lưu ý thêm các điểm sau :
1) – Nếu được thì có thể kết hợp khai thác tối đa vị trí Linh Thần trong từng vận (như ví dụ PTPK đã nêu ở trên), tránh vị trí Chính Thần không thể đặt. Chẳng hạn trong vận 8 này Chính Thần Cư Cung Cấn (ĐB), Linh Thần Cư Cung Khôn (TN). 
2) – Áp dụng với “Thành Môn Quyết”. khi áp dụng chúng ta cần lưu ý các nhà có Cung Hướng tương hợp với các Cung hai bên theo Hà Đồ, như vậy sẽ đại cát vậy. Để làm điều này chúng ta ghi nhớ câu vè sau :
+ Nhất lục cộng tông chính là nhất lục tương hợp.
+ Nhị thất động đạo là nhị thất tương hợp.
+ Tam bát là Bằng: Tam bát tương hợp Tứ cửu là Hữu: Tứ cửu tương hợp .
+ Ngũ thập cư trung: Ngũ thập tương hợp.
 Ví dụ : Nhà hướng Đoài (T – 7) thì có cung Khôn (TN – 2) là tương hợp, đây lại là cung vị của Linh Thần thì việc đặt bể cá là rất tốt, tuy nhiên đây là cặp tạo thành Hỏa Tiên Thiên nên phải lưu ý chọn đúng loại bể cá, chứ không thể dụng bừa.

V) – Chọn Ngày Đặt Bể :
 Cũng như các việc khác, khi đặt Bể cá chúng ta phải lựa chọn thời điểm cho thích hợp để tăng cường hiệu quả và tránh những thời điểm xung đột. Khi đặt bể cá trước tiên chúng ta phải tránh những ngày Không Phòng, Con Nước, tránh ngày có các sao thuộc Hỏa khí như : Vĩ, Thất, Chủy… Các sao chủ quản Cửu Tử, Tam Bích… Bỏ những thời điểm có Đại Sát Tinh hay các sao Suy Tử Khí chiếu đóng tại khu vực đặt bể.  Ưu tiên chọn những ngày có khí với mệnh ra Sinh Khí, có ngũ hành tương sinh cho bản mệnh… những thời điểm có sao vượng tinh chiếu đến cung vị đặt bể.

Đến đây PTPK đã tổng hợp chỉ dẫn và nêu ra phương pháp áp dụng để đặt bể cá hợp Phong Thủy, hy vọng bài viết này sẽ mang lại thêm kiến thức cho bạn đọc.

© 2018, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Comments (0)
Add Comment