Triều Tiên đại đồng diễn mừng thành công tên lửa

Hàng trăm nghìn người dân và binh sĩ Triều Tiên hôm nay kéo về trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng, để tham gia màn múa hát tập thể chào mừng việc nước này phóng thành công tên lửa Unha-3.

 

 

 

 

 

 

 

Đám đông khổng lồ đứng chật kín quảng trường Kim Nhật Thành, AFP đưa tin. Truyền hình nhà nước Triều Tiên phát đi hình ảnh người dân và binh sĩ hô vang các khẩu hiệu chúc mừng, cũng như vỗ tay khi lắng nghe những lời ca ngợi dường như không dứt về vụ phóng tên lửa hôm 12/12.

Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên được phóng hôm 12/12. Ảnh: KCNA/Xinhua

Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un cũng được ca ngợi là “dũng cảm và sáng suốt”.
Nỗ lực phóng tên lửa thứ hai trong năm nay của Triều Tiên, sau vụ phóng thất bại hồi tháng 4, bị Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác phản đối mạnh mẽ. Cộng đồng quốc tế cho rằng đây thực chất là một vụ thử tên lửa tầm xa, một hoạt động vốn bị cấm theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc sau khi Triều Tiên có các vụ thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009.Triều Tiên hôm 12/12 phóng thành công tên lửa Unha-3 (Ngân Hà-3) để đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 (Quang Minh Tinh-3) bay vào quỹ đạo. Đây là hoạt động được cho là để kỷ niệm một năm ngày mất của cố lãnh đạo Kim Jong-il, cũng như đánh dấu một năm lên nắm quyền của Kim Jong-un.

Bất chấp phản đối từ bên ngoài, Triều Tiên khẳng định có quyền khám phá không gian và việc phóng tên lửa là vì mục đích hòa bình.

Hàn Quốc thông báo Triều Tiên phóng tên lửa lúc 9h49 sáng nay (7h49 giờ Hà Nội) và quân đội Triều Tiên tuyên bố cuộc phóng thành công, vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo.

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa Triều Tiên sáng 12/12. Ảnh:AFP

“Cuộc phóng tên lửa mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 thế hệ thứ hai từ Trung tâm Không gian Sohae ngày 12/12 đã thành công. Vệ tinh đã đi vào quỹ đạo như dự kiến”, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo “Triều Tiên đã chính thức phóng tên lửa”, lúc 9h49 (7h49 giờ Hà Nội). Chính phủ Nhật cho biết dường như tên lửa đã bay qua quần đảo Okinawa của Nhật khoảng 12 phút sau khi được phóng đi.

Tên lửa Triều Tiên được ghi nhận vượt qua khu vực giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, với tầng thứ nhất và thứ hai rơi xuống khu vực phía tây và tây nam bán đảo Triều Tiên, tầng thứ ba rơi xuống địa điểm cách bờ biển Philippines 300 km về phía đông, trước khi vệ tinh được phóng lên vũ trụ. Ngay sau khi được phóng đi, tên lửa Triều Tiên đã bị các tàu hải quân của Seoul đóng trên biển Hoàng Hải phát hiện.

Yonhap dẫn nguồn chính phủ Nhật Bản cho biết một mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống vùng biển ngoài khơi Philippines sau khi vượt qua Okinawa. Tuy nhiên, Nhật Bản đã không ra lệnh cho quân đội phá hủy tên lửa Triều Tiên.

Các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản xác nhận rằng cả ba tầng tên lửa được tách ra như dự kiến và dường như vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã thành công. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết các phân tích sâu hơn đang được tiến hành.

“Có nhiều yếu tố để xác định xem nó có thành công hay không. Chúng tôi cần thêm những phân tích và cũng sẽ tham vấn từ Mỹ”, ông Kim nói với các phóng viên.

Hiện chưa có phản ứng chính thức nào từ Washington. Một quan chức Nhà Trắng cho biết bà không thể bình luận gì về vụ phóng tên lửa vào thời điểm này. Trong khi đó, phát ngôn viên chính phủ Nhật cho biết nước này sẽ không tha thứ cho vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

“Thực sự rất đáng tiếc khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng bất chấp lời kêu gọi hành động kiềm chế của chúng tôi. Nhật Bản không thể tha thứ cho hành động này. Chúng tôi cực lực phản đối Triều Tiên”, Osamu Fujimura, phát ngôn viên của Nhật, nói.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn cấp sau khi thông tin Triều Tiên phóng tên lửa được công bố. Bộ Ngoại Anh thì “lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm nay”. Bộ trưởng Ngoại giao William Hague cho biết sẽ triệu tập đại sứ Triều Tiên tại London để phản đối việc làm của Bình Nhưỡng.

Quan chức Philippines cho biết mảnh vỡ tên lửa của Bình Nhưỡng có thể đã rơi xuống khu vực ngoài khơi bán đảo Luzon. “Mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng biển của chúng tôi khoảng 30 phút sau vụ phóng”, Giám đốc Cơ quan Dân phòng Philippines Benito Ramos nói, và cảnh báo các ngư dân nước này tránh khỏi vùng biển phía bắc Luzon.

Hồi tháng 4, Triều Tiên cũng có cuộc phóng tên lửa tương tự nhưng tên lửa phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng chưa đầy 2 phút và rơi xuống biển Hoàng Hải.

Đường bay dự kiến và trình tự vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Đồ họa: IMO

Trước đó, các quan chức Hàn Quốc và chuyên gia phân tích ảnh vệ tinh của Mỹ cho rằng Triều Tiên đã dỡ toàn bộ tên lửa khỏi bệ phóng để kiểm tra những trục trặc kỹ thuật.

Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng tên lửa để đưa vệ tinh vào vũ trụ, tuy nhiên Mỹ và các nước đồng minh cho rằng đây thực chất là một vụ thử tên lửa đạn đạo, vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Triều Tiên vốn dự kiến phóng tên lửa trong khoảng thời gian ngày 10-22/12 nhưng sau đó gia hạn thêm một tuần vì phát hiện những “lỗ hổng kỹ thuật” trong động cơ của tầng thứ nhất. Nước này vẫn hy vọng có thể phóng được tên lửa sau khi hoàn thành công việc sửa chữa, nguồn tin của Hàn Quốc cho hay.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên quyết định phóng tên lửa vào mùa đông, khiến các nhà phân tích cho rằng có thể do nguyên nhân chính trị. Các chuyên gia tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn phóng tên lửa quanh thời điểm giỗ đầu của cha mình. Ông Kim Jong-il qua đời ngày 17/12 năm ngoái khi đang trên một chuyến xe lửa đi thị sát.

Điều này càng tỏ ra có cơ sở khi các chuyên gia về tên lửa cho rằng khó có khả năng các vấn đề gây nên thất bại trong cuộc phóng hồi tháng 4 có thể được giải quyết chỉ trong 8 tháng.

Ngày 10/12, Triều Tiên cũng cho biết nước này phải trải qua 3 ngày giá rét khắc nghiệt, ngay trước thời điểm dự kiến phóng tên lửa. Truyền thông nhà nước dẫn lời ông Ri Chol-su, phó giám đốc Viện Khí tượng trung ương, cho hay nhiệt độ giảm xuống chỉ còn -17 độ C ở bãi phóng tên lửa nằm ở bờ biển phía tây.

Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc cấm tiến hành các vụ thử tên lửa sau khi nước này hai vụ thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009. Cuộc phóng tên lửa hồi tháng 4 của Bình Nhưỡng khiến Liên Hợp Quốc, Mỹ và các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc kịch liệt phản đối.

Lần này, cộng đồng quốc tế gồm Nga, Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng lên tiếng quan ngại về kế hoạch của Bình Nhưỡng. Các Bộ trưởng Ngoại giao của EU hôm qua tuyên bố quyết tâm phóng tên lửa đến cùng là một “hành động khiêu khích”, vi phạm Nghị quyết của Liên Hợp Quốc và đòi hỏi quốc tế phải có hành động để đáp trả.

Các nhà ngoại giao ở Liên Hợp Quốc, trong và ngoài Hội đồng Bảo an, đã bắt đầu thảo luận kín về việc sẽ hành động như thế nào nếu Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa. Theo truyền thông Nhật thì Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thống nhất sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an tăng mức trừng phạt đối với Triều Tiên lên mức ngang bằng với Iran. Mức trừng phạt đó bao gồm tăng danh sách của các thể chế tài chính, các tổ chức, cá nhân bị phong tỏa tài sản.

 

© 2012, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

quốc tếTriều Tiên
Comments (0)
Add Comment