Trong số gần 45 nghìn lâu đài trên cả nước Pháp và 300 lâu đài tại thung lũng Loire, Chenonceau là lâu đài duy nhất được xây dựng theo thiết kế bắc qua một dòng sông và đây cũng là một trong những điểm ấn tượng đưa lâu đài này nổi tiếng toàn thế giới. Không chỉ vậy, câu chuyện tình tay ba giữa Vua Henri II và hai người phụ nữ quyền lực của nước Pháp thế kỷ XVI tại chính lâu đài lịch sử này đã thu hút cả triệu du khách hiếu kỳ mỗi năm.

Lâu đài bồng bềnh trên mặt nước đẹp như tranh vẽ

chenonceau-nhin-tu-tren-song-cher-httpsguidetourismnetworldfrancechenonceau-castle-1.jpg
Lâu đài Chenonceau nhìn từ trên sông Cher (Ảnh: Guidetourism)

Bất cứ ai khi đến thăm lâu đài Chenonceau đều có cảm giác như lâu đài đang bồng bềnh trên mặt nước nhờ thiết kế “độc lạ” và vị trí đẹp như tranh vẽ của nó. Lâu đài được xây dựng bằng cách “bắc cầu” qua sông Cher ở miền Trung nước Pháp. Ngắm nhìn mặt tiền bằng đá trắng xa hoa, mái đá phiến màu xám và những mái vòm kỳ vỹ phản chiếu dưới làn nước xanh trong của dòng sông, du khách như chìm đắm trong không gian đầy mê hoặc của lâu đài. 

duong vao lau dai chenonceau trang hoang giang sinh 2023 httpswwwomonchateaucomnoelaupaysdeschateaux.jpg
Đường vào lâu đài Chenonceau trang hoàng Giáng sinh 2023 (Ảnh: Omonchateau)
1 ha bui chup tai chenonceau anh keo dai chan vay.jpg
Tác giả chụp tại lâu đài Chenonceau

Không có gì khó hiểu khi Chenonceau đón gần triệu du khách ghé thăm mỗi năm và là lâu đài thu hút nhiều du khách nhất tại Pháp. Càng không ngoa khi nói rằng đã du lịch Pháp thì không thể không tham quan lâu đài Chenonceau.

lau dai chenonceau 1.jpg
Ảnh: CometoParis.com

Lâu đài được sở hữu bởi những người phụ nữ quyền lực trong lịch sử nước Pháp

Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của mình, lâu đài Chenonceau thuộc sở hữu và chịu ảnh hưởng của sáu người phụ nữ quyền lực của nước Pháp. Đó cũng là một trong những lý do lâu đài này còn có tên gọi khác là “Lâu đài của những quý bà”. Trong số sáu người phụ nữ này, phải kể đến Katherine Briçonnet, Diane de Poitiers và Catherine de Medici. 

2 katherine brionnet ok.jpg
Nữ quý tộc người Pháp Katherine Briçonnet (1494 – 1526), vợ của Thomas Bohier, chủ nhân đầu tiên của toà lâu đài Chenonceau – Ảnh: Un Dia Una Arquitecta

Katherine Briçonnet (1494 – 1526) là một nữ quý tộc người Pháp và là vợ của Thomas Bohier – người đã mua lại khu đất chứa tàn tích của một pháo đài để xây dựng lâu đài Chenonceau. Katherine Briçonnet có ảnh hưởng trong việc thiết kế lâu đài này, đồng thời cũng là người giám sát công việc xây dựng từ năm 1513 đến năm 1521, đưa ra những quyết định quan trọng về kiến ​​trúc trong khi Thomas Bohier đi chiến đấu trong các cuộc chiến tranh ở Ý. Đặc biệt, bà giám sát việc xây dựng cầu thang được thiết kế hướng thẳng lên trên thay vì theo hình xoắn ốc như thường lệ vào thời điểm đó. 

Năm 1524, ngay sau khi tòa nhà được hoàn thành, Thomas Bohier qua đời. Katherine qua đời hai năm sau đó. Phần ban đầu của lâu đài được hoàn thành dưới thời Katherine Briçonnet được gọi là Château des Dames (Lâu đài của những quý bà) vì ​​sau này nó còn được mở rộng bởi Diane de Poitiers và Catherine de Médicis.

3 diane de poitiers ok.jpg
Diane de Poitiers (1499 – 1566) nữ quý tộc người Pháp, nổi tiếng vì sắc đẹp mê hoặc người nhìn, trí thông minh và óc kinh doanh, người tình hơn 20 tuổi của vua Henri II – Ảnh: Wikipedia

Năm 1535, Vua Francis I của Pháp tịch thu lâu đài Chenonceau từ con trai của Thomas Bohier vì các khoản nợ chưa trả cho triều đình. Sau khi Francis I băng hà vào năm 1547, Vua Henry II lên ngôi và thay anh mình tiếp quản toà lâu đài.

Diane de Poitiers (1499 – 1566) là một nữ quý tộc người Pháp, nổi tiếng vì sắc đẹp mê hoặc người nhìn, trí thông minh và óc kinh doanh. Bà nắm giữ nhiều quyền lực và ảnh hưởng với tư cách là tình nhân và cố vấn hoàng gia của Vua Henri II cho đến khi ông qua đời.

Năm 1547, Vua Henri II tặng lâu đài Chenonceau cho Diane. Tại đây, bà đã tạo ra những khu vườn được đánh giá là đẹp xuất sắc và hiện đại nhất vào thời điểm đó. Bằng việc xây dựng cây cầu kéo (cầu có thể nâng lên và hạ xuống) bắc qua sông Cher và bổ sung phòng trưng bày, Diane đã góp phần mở rộng diện tích của lâu đài Chenonceau tới tận bờ Nam tươi tốt của sông Cher, đồng thời mang lại nhiều không gian giải trí hơn.

4 catherine de medicis ok.jpg
Catherine de Médicis (1519 – 1589), nữ quý tộc người Ý trở thành Vương hậu nước Pháp từ năm 1547 đến năm 1559 – Ảnh: Agoravox

Catherine de Médicis (1519 – 1589) là một nữ quý tộc người Ý và trở thành Vương hậu nước Pháp từ năm 1547 đến năm 1559, với tư cách là vợ của Vua Henri II của Pháp. Bà là mẹ của ba vị vua liên tiếp kế vị nước Pháp: François II; Charles IX và Henri III. Trong thời gian trị vì đất nước, Vua Henri II đã loại bà khỏi các công việc triều chính và thay vào đó dành sự ưu ái cho tình nhân của mình, Diane.

catherine de medicis.jpg
Catherine de Médicis đã cai trị nước Pháp từ căn phòng Green Study trong lâu đài Chenonceau – Ảnh: Theepochtimes

Sau khi Vua Henri II băng hà năm 1559, Catherine đã lấy lại lâu đài Chenonceau, làm cho các khu vườn trở nên tráng lệ hơn và tiếp tục cho xây dựng thêm các công trình kiến ​​trúc trong khuôn viên của lâu đài. Bà đã nâng chiều cao của phòng trưng bày hai tầng để tổ chức những bữa tiệc hoành tráng. Với tư cách là nhiếp chính, Catherine đã cai trị nước Pháp từ căn phòng được gọi là Green Study trong lâu đài này, giới thiệu phong cách sống xa hoa của người Ý ở Chenonceau.

phong-ngu-cua-catherine-de-medicis-httpsloireloversfrenvisit-chateau-chenonceau-castle-1.jpg
Phòng ngủ của Catherine de Médicis – Ảnh: loirelovers

Chuyện tình tay ba kéo dài hơn hai thập kỷ của Vua Henri II 

Một số ghi chép cho rằng Henri II gặp Diane de Poitiers lần đầu khi ông là hoàng tử 7 tuổi bị giao cho những kẻ bắt giữ người Tây Ban Nha làm con tin và Diane đã hôn tạm biệt ông. Lúc Henri II 17 tuổi, anh trai Francis qua đời, khiến ông trở thành người kế vị ngai vàng. Cảm thấy bản thân chưa sẵn sàng cho vị trí quan trọng này, ông tìm đến Diane để được giúp đỡ và hướng dẫn. Mối quan hệ của họ bắt đầu như giữa thầy và trò và dần phát triển thành tình yêu lứa đôi. 

Vua Henri II (trái) và Diane de Poitiers (phải)

Đối với Henri II, tình yêu của ông với Diane luôn xen lẫn sự tôn trọng và biết ơn. Ông tìm thấy ở Diane, người hơn ông 20 tuổi, sự ấm áp của người mẹ mà ông đã mất khi còn nhỏ. Trong khi đó, Diane tìm thấy ở Henri II sự nồng nhiệt của người chồng trẻ mà cô chưa từng có. Henri II yêu say đắm Diane đến nỗi đã tặng cho bà cả tòa lâu đài Chenonceau tráng lệ mà sau này trở thành một trong những biểu tượng của nước Pháp. Trong suốt thời gian bên nhau cho đến khi Henri II băng hà ở tuổi 40, họ đã cùng nhau tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật và cai trị đất nước. Đó cũng là lý do mà Diane còn có tên gọi không chính thức là “Nữ hoàng đích thực của nước Pháp”.

Về phần Catherine de Médicis, sau hơn mười năm kết hôn với Henri II do sự sắp đặt của gia đình, bà vẫn chưa có con. Hiếm muộn đã trở thành nỗi ám ảnh của bà và là đề tài bàn tán của cả triều đình. Catherine sau đó đã hạ sinh con trai cả vào năm 1543 và 9 người con trong 13 năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc Henri II gạt bà khỏi các công việc triều chính, dành tình yêu nồng cháy cho Diane suốt cả hai thập kỷ khiến bà cảm thấy bản thân chỉ như một thành viên bỏ đi của hoàng gia. Chính vì thế khi Henri II qua đời, Catherine đã lấy lại lâu đài Chenonceau, gần như xóa sạch tất cả những dấu vết yêu đương giữa Diane và người chồng quá cố của mình. 

Những khu vườn kỳ công như tác phẩm nghệ thuật

Khi đến thăm lâu đài Chenonceau, du khách còn được đắm mình trong những khu vườn được thiết kế kỳ công và chăm sóc kỹ lưỡng không khác gì những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện vẻ đẹp của cảnh quan thời Phục hưng Pháp, mang dấu ấn của cả Diane và Catherine. 

lau dai chenonceau 2.jpg
Toàn cảnh lâu đài Chenonceau và những khu vườn đẹp như tác phẩm nghệ thuật –
Ảnh: ComtoParis.com

Bên phải lâu đài là khu vườn rộng đến 12.000m2 của Diane. Cách bố trí các thảm hoa vẫn không thay đổi kể từ khi được Diane tạo ra. Hai đường vuông góc và hai đường chéo chia khu vườn thành tám hình tam giác được trang trí bằng những bụi hoa Santolina (thuộc họ hoa cúc). Các bậc thang bao quanh đã được nâng cao để bảo vệ khu vườn khi mực nước sông Cher dâng cao, đồng thời giúp du khách dễ quan sát các cây bụi, cây thủy tùng, hàng rào hộp và cây kim ngân hoa bố trí xung quanh các luống hoa. 

lau dai chenonceau 3.jpg
Du khách dạo chơi tại một trong những khu vườn độc đáo tuyệt đẹp ở lâu đài Chenonceau

Với diện tích 5.500m2, nằm bên trái lâu đài Chenonceau, khu vườn của Catherine de Médicis giống như một bức tranh tuyệt đẹp. Nhìn ra mặt sông Cher và công viên Civray, các lối đi của khu vườn mang lại tầm nhìn hoàn hảo hướng ra mặt tiền phía Tây của lâu đài. Thiết kế của khu vườn tập trung vào năm bãi cỏ, trung tâm là một cái ao hình tròn trang nhã và điểm xuyết bằng những hàng rào hình hộp tròn.

Phía Bắc khu vườn của Catherine là Khu vườn Xanh, nổi tiếng là một quần thể gồm rất nhiều loài cây quý hiếm, lâu năm như cây tiêu huyền, thông Tây Ban Nha, linh sam Douglas, hạt dẻ ngựa, vv.

8 me cung chenonceau ok.jpg
Mê cung kiểu Ý rộng gần 1 héc-ta trong khu vườn của lâu đài – (Ảnh: sncf-connect.com)

Theo yêu cầu của Catherine, một mê cung kiểu Ý rộng gần 1 héc-ta đã được xây dựng trên một khu đất rộng 70 héc-ta với gần hai nghìn cây thủy tùng. Đây cũng là nơi thu hút nhiều du khách khám phá trong thời gian chờ đợi đến lượt tham quan lâu đài.  

Lâu đài tráng lệ hóa bệnh viện quân đội

9 chenonceau duoc chuyen doi thanh benh vien quan doi ok.jpg
Chenonceau được chuyển đổi thành bệnh viện quân đội trong Chiến tranh thế giới thứ nhất –
(Ảnh: Chenonceau.com)

Không chỉ gắn liền với thiên tình sử của Vua Henri II, lâu đài Chenonceau còn ghi dấu ấn của mình trong Chiến tranh thế giới thứ nhất khi từ năm 1914 đến năm 1918, Chenonceau được chuyển đổi thành bệnh viện quân đội. Gaston Menier, thượng nghị sĩ của tỉnh Seine-et-Marne, đồng thời là chủ sở hữu của Chenonceau vào thời điểm đó đã đề nghị Bộ Chiến tranh Pháp (sau này là Bộ Quốc phòng Pháp) thành lập một bệnh viện quân sự tạm thời trong lâu đài và tự mình trang trải mọi chi phí. Phòng trưng bày hai tầng của lâu đài được sử dụng làm khu y tế và cây cầu bắc qua sông Cher được dùng làm tuyến đường vận chuyển cho thương binh. Hơn hai nghìn thương binh, hầu hết đều bị thương rất nặng, được chăm sóc tại đây cho đến ngày 31/12/1918.

Có thể nói, với tất cả những nét đẹp có một không hai trong kiến trúc và những câu chuyện thú vị gắn liền với lịch sử nước Pháp và thế giới, lâu đài Chenonceau sẽ tiếp tục là địa địa điểm đầy mê hoặc với du khách từ khắp nơi trên thế giới./.

Hà Bùi