HĐXX phiên tòa vụ Việt Á nhận định rằng, việc khởi tố, truy tố, đưa 38 bị cáo ra xét xử và áp dụng các hình phạt nghiêm minh đối với từng bị cáo tương ứng với mỗi tội danh là cần thiết. Việc này nhằm trừng trị những cá nhân có hành vi đi ngược lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhân dân, để đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung.

Tuy nhiên, HĐXX cũng xem xét giảm nhẹ, khoan hồng và khoan hồng đặc biệt đối với các bị cáo thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch cấp bách mà không hưởng lợi hoặc hưởng lợi không đáng kể.

Trước khi tòa tuyên án vào chiều ngày 12/1, đại diện VKS đã đưa ra đề nghị bất ngờ. Đối với bị cáo Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương), đại diện VKS xét thấy ông Danh không vụ lợi nên đề nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo này.

Trước đó ông Danh bị đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 10 tháng 4 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 

Xem thêm:   Quán bánh rán 'trốn' trong ngõ khuất, khách xếp hàng dài đợi mua ở Hà Nội
415188211 935238291359796 7996708019617776344 n.png
Phiên tòa xét xử vụ Việt Á. Ảnh: TTXVN

Sau khi xem xét, HĐXX đã quyết định áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, miễn trách nhiệm hình sự cho cựu Giám đốc CDC Bình Dương.

Theo nhận định của HĐXX, mặc dù bị cáo đã có thể nghỉ hưu trước thời hạn, nhưng khi được yêu cầu, ông Danh đã ở lại để sát cánh cùng CDC Bình Dương trong chống dịch Covid-19. Là lãnh đạo CDC Bình Dương, bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm và có thể bị xử lý nhưng đã “dám nghĩ, dám làm”, vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào. Bị cáo không tư lợi cá nhân. 

Bị cáo đã nhiều lần từ chối nhận tiền, nhận quà cảm ơn của Công ty Việt Á và cũng đã cảnh tỉnh nhân viên cấp dưới không tiếp xúc, nhận quà cảm ơn.

Luật sư Nguyễn Thành Công, người bào chữa cho bị cáo Danh cho hay, cựu giám đốc CDC Bình Dương là “Thầy thuốc ưu tú”, từng được nhiều giấy khen, bằng khen do Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Y tế, UBND tỉnh Bình Dương, các cấp ban ngành khác trao tặng. 

Năm 2020, ông Danh đã được Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng bằng khen về thành tích trong phòng chống dịch Covid- 19. Đặc biệt, cũng trong năm 2020, ông Nguyễn Thành Danh là một trong 10 người được trao tặng danh hiệu “Công dân tiêu biểu” tỉnh Bình Dương.

Luật sư của bị cáo Danh cho rằng, hành vi của cựu Giám đốc CDC Bình Dương có sai phạm, nhưng khởi nguồn từ việc tuân thủ sự chỉ đạo, chủ trương của Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bình Dương chứ không phải chủ động, tự ý, càng không phải cố ý thực hiện tội phạm. 

CDC Bình Dương là đơn vị chấp hành, tuân thủ nên cần xác định mức độ phạm tội có giới hạn, phụ thuộc. Theo luật sư, điểm sai của bị cáo Danh nằm ở chỗ: Lẽ ra phải phản đối chủ trương, chỉ đạo của cấp trên để thực hiện cho đúng pháp luật về đấu thầu, chứ không phải thực hiện hồ sơ hợp thức hóa để bị xác định là sai phạm.

Thời hạn tạm giam của ông Nguyễn Thành Danh được tính thế nào? 

Trao đổi với P.V VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, thời hạn tạm giam, tạm giữ của bị cáo sẽ được bù trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, thời hạn cải tạo không giam giữ. 

Tuy nhiên, đối với trường hợp bị cáo được tòa án miễn trách nhiệm hình sự thì thời hạn tạm giam này sẽ không được tính toán để bù trừ, bồi thường. Nếu tòa án tuyên bị cáo không có tội thì thời hạn tạm giam mới là căn cứ để tính toán về mức bồi thường thiệt hại do bị giam oan sai. 

Theo luật sư, bản chất của miễn trách nhiệm hình sự là bị cáo có vi phạm pháp luật, hành vi cấu thành tội phạm, nhưng do chính sách khoan hồng, do nguyên tắc phân hóa phân loại nên được miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải là không có tội. 

Bởi vậy quá trình điều tra, truy tố, xét xử, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế là không sai và không được đền bù. 

Tiến sĩ Đặng Văn Cường phân tích: Điều 29, BLHS năm 2015 quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: 

Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; 

Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; 

Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận;

Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác nhưng đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.