Hà Nội: Người dân chủ quan vì trời rét, sốt xuất huyết tiếp tục “vượt đỉnh”

Hà Nội: Người dân chủ quan vì trời rét, sốt xuất huyết tiếp tục "vượt đỉnh"

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 25/11 đến 2/12), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 0,5% so với tuần trước). Đây là tuần ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết nhất từ đầu năm đến này.

Bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Hoàng Mai (187 ca), Phú Xuyên (141 ca), Hà Đông (131 ca), Đống Đa (104 ca).

Trong tuần, Hà Nội cũng có thêm 55 ổ dịch mới tại 15 quận, huyện; trong đó nhiều nhất là quận Đống Đa với 14 ổ dịch, tiếp đến là Hoàng Mai với 10 ổ dịch, Thanh Trì có 5 ổ dịch…

sot_xuat_huyet

Thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Mạnh Quân).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 16.314 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó đã có 18 ca tử vong.

Thành phố cũng đã phát hiện tổng cộng 1.292 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã.

Hiện tại còn 178 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện; trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân như: thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (290 bệnh nhân); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (69 bệnh nhân); thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (38 bệnh nhân)…

Xem thêm:   Vào viện vì ho, tức ngực, bất ngờ phát hiện ung thư phổi

Theo nhận định của CDC Hà Nội, trong khi số ca mắc mới sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng thì kết quả giám sát tại một số ổ dịch kéo dài cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng; việc vệ sinh môi trường – diệt bọ gậy chưa hiệu quả. 

Cụ thể, giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết tại ổ dịch xóm Hạnh Phúc, thôn Lam Sơn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín có BI=40 (cao gấp 2 lần ngưỡng quy định); ổ dịch tổ 12, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (BI=35, gấp hơn 1,5 lần quy định)…

Cũng theo các chuyên gia, mặc dù Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung đón đợt rét đậm, nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra, một tình trạng đáng cảnh báo là nhiều người dân chủ quan cho rằng muỗi không hoạt động khi trời lạnh nên lơ là việc phòng chống sốt xuất huyết.

CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh, tại các địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Cần huy động các ban, ngành đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.

Xem thêm:   6 trẻ ở Hà Nội tử vong sau khi mắc Adenovirus: Dịch bệnh mới đang bùng phát?

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài, mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch, cụ thể như sau:

– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

– Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

– Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

– Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

– Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

– Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. 


Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-nguoi-dan-chu-quan-vi-troi-ret-sot-xuat-huyet-tiep-tuc-vuot-dinh-20221207074108717.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *