Nga tính lập căn cứ trên Biển Đen, Ukraine hành động quyết liệt?

Nga tính lập căn cứ trên Biển Đen, Ukraine hành động quyết liệt?

Nga tính lập căn cứ trên Biển Đen, Ukraine hành động quyết liệt? - 1

Tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga (Ảnh: AFP).

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga có thể đang chuẩn bị xây dựng một căn cứ hải quân mới trên Biển Đen tại Abkhazia, vùng ly khai Gruzia. Công việc xây dựng và nạo vét có thể được nhìn thấy trong các hình ảnh chụp cảng Ochamchire ở Abkhazia, dựa trên những bức ảnh do BBC thu được.

Lãnh đạo vùng Abkhazia, Aslan Bzhania, nói với hãng tin Izvestia của Nga hồi đầu năm nay rằng Nga sẽ thành lập một căn cứ hải quân mới ở khu vực này.

“Tất cả điều này nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ của cả Nga và Abkhazia”, ông Bzhania nói.

Các cơ sở mới ở Abkhazia cũng đặt ra câu hỏi về “số phận” của Hạm đội Biển Đen Nga. Hạm đội Biển Đen đóng tại bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine, nhưng đã buộc phải di chuyển một số khí tài về phía đông do các cuộc tấn công thường xuyên của Ukraine vào bán đảo.

Thông tin về căn cứ mới ở Abkhazia làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể mở rộng cuộc chiến ở Ukraine, kéo Gruzia vào cuộc xung đột. Gruzia đang hy vọng được gia nhập Liên minh châu Âu (EU), trong khi các nước thành viên EU đang hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Nga đã di dời một số khí tài từ Crimea đến căn cứ Novorossiysk ở vùng Krasnodar của Nga. Trong khi đó, căn cứ hải quân tại Ochamchire ở Abkhazia sẽ đưa Hạm đội Biển Đen của Nga cách xa bờ biển Ukraine hơn và ít có nguy cơ bị tấn công hơn.

Phó đô đốc đã nghỉ hưu Robert Murrett, giáo sư hành chính công và các vấn đề quốc tế tại Đại học Syracuse, cho biết điều này cho thấy “sự dịch chuyển liên tục về phía đông của Hạm đội Biển Đen Nga”.

Xem thêm:   Đã làm rõ vụ hoa hậu trộm đồng hồ tiền tỷ của người tình đại gia

“Các lực lượng Ukraine tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu và cơ sở cảng của Nga ở vùng biển giáp Ukraine, ở Crimea và xa hơn nữa”, ông Murrett nói.

Ông lập luận rằng một số cuộc tấn công gây thiệt hại cho các căn cứ của Hạm đội Biển Đen trong những tháng gần đây đã “tạo động lực mạnh mẽ để Moscow tìm kiếm một bến cảng an toàn hơn ở khu vực Abkhazia”.

Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, đồng ý rằng Ochamchire “cách xa Ukraine nhất có thể trong phạm vi Biển Đen”.

“Việc rút lui chiến lược này đã trở thành điều không thể tránh khỏi đối với Hạm đội Biển Đen của Nga, vừa là minh chứng cho các hoạt động hiện tại của Ukraine vừa là dấu hiệu rõ ràng về mối nguy hiểm do sự xuất hiện của máy bay chiến đấu F-16”, ông Mertens nhận định.

Ukraine đã kêu gọi các đồng minh phương Tây cấp tiêm kích F-16 trong nhiều tháng và nhận được cam kết về loại máy bay chiến đấu tiên tiến này giữa cuộc phản công mùa hè của Ukraine.

Chuyên gia Mertens cho biết, mặc dù vẫn chưa rõ chính xác khi nào các máy bay F-16 sẽ được đưa đến Ukraine, nhưng đây sẽ là sự nâng cấp đáng kể cho lực lượng không quân của Kiev và gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng hơn” đối với Hạm đội Biển Đen của Nga.

“Mối đe dọa từ máy bay F-16 sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, vì những máy bay này của Mỹ có thiết kế phù hợp để tận dụng tối đa tiềm năng của vũ khí phương Tây, bao gồm cả tên lửa Harpoon”, chuyên gia Mertens nhận định.

Vào giữa tháng 9, Ukraine được cho là đã sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công một tàu ngầm Nga ở Sevastopol tại Crimea.

Xem thêm:   Mỹ - Australia hợp tác đối phó động thái quân sự của Trung Quốc

Chuyên gia Mertens cho biết, khi đối mặt với các máy bay F-16 do Ukraine vận hành, Moscow sẽ cần phải dựa vào lực lượng không quân để bảo vệ hạm đội tàu chiến. Các tàu phòng không của Nga được cho là lép vế hơn so với các tàu tương đương của Mỹ, đặt ra “thách thức thực sự” cho Moscow trước sức mạnh không quân ngày càng tăng của Ukraine ở Biển Đen.

Chuyên gia Murrett lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chặn quyền tiếp cận Biển Đen và ngăn chặn thêm nhiều tàu chiến Nga di chuyển vào khu vực. Nga thậm chí có thể mất quyền kiểm soát ở trung tâm Biển Đen, mặc dù không có nghĩa là Ukraine khi đó có thể kiểm soát khu vực này, theo Mertens.

Theo chuyên gia Mertens, việc rút về Ochamchire là “dấu hiệu cho thấy cuộc chiến trên biển không diễn ra theo kế hoạch” của Nga, nhưng xét cho cùng đây cũng là một bước đi thông minh của Moscow. Từ căn cứ này, Nga có thể nạp lại tên lửa hành trình Kalibr lên tàu và điều này “có ý nghĩa lớn về quân sự “.

“Việc không thể sử dụng Sevastopol để thực hiện sứ mệnh này đang cản trở chiến dịch tên lửa chiến lược của Nga hiện nay”, Mertens cho biết thêm.

Chiến tranh lan rộng?

Nga tính lập căn cứ trên Biển Đen, Ukraine hành động quyết liệt? - 2

Vị trí Abkhazia (Ảnh: Research Gate).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Ukraine sẽ tấn công vào hạm đội Nga nếu Moscow mở căn cứ ở Abkhazia. Ông Zelensky nhận định, sau các vụ tấn công của Ukraine, hạm đội quân sự Nga dường như “không còn khả năng hoạt động ở phía tây Biển Đen và đang dần rút lui khỏi Crimea”.

“Gần đây, giới lãnh đạo Nga buộc phải tuyên bố thành lập một căn cứ mới cho Hạm đội Biển Đen ở Abkhazia, phía đông nam của biển, càng xa càng tốt khỏi tên lửa và máy bay không người lái của Ukraine. Nhưng chúng tôi sẽ tấn công ở mọi nơi”, ông tuyên bố.

Xem thêm:   Nga khép chặt vòng vây Donbass, kiểm soát 80% Severodonetsk

Các chính trị gia Gruzia cáo buộc kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân của Nga ở Ochamchire là “mối đe dọa trực tiếp” đối với Tbilisi và hy vọng gia nhập Liên minh châu Âu của nước này.

Bộ Ngoại giao Tbilisi cho biết: “Những hành động như vậy thể hiện sự vi phạm trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia”.

Chuyên gia Murrett cho biết, việc xây dựng một căn cứ hải quân lâu dài tại Ochamchire sẽ thúc đẩy tính toán của Nga đối với Abkhazhia, đồng thời “có thể làm tăng nguy cơ lôi kéo Tbilisi vào các cuộc giao tranh hải quân ở Biển Đen”.

“Rất có thể Georgia sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột này. Về lâu dài, điều này sẽ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất phức tạp”, chuyên gia Mertens cảnh báo.

Gruzia là nước láng giềng ở phía tây nam của Nga. Nam Ossetia và Abkhazia đã ly khai khỏi Gruzia để lập ra nhà nước cộng hòa tự xưng sau khi Liên Xô sụp đổ.

Căng thẳng giữa Nga và Gruzia leo thang hồi năm 2008 với việc Nga mở chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng từ ngày 8/8/2008 và kết thúc sau 5 ngày giao tranh, khiến Gruzia chịu thiệt hại nặng về lực lượng và cơ sở hạ tầng quốc phòng.

Năm 2008, Nga công nhận nền độc lập của 2 vùng Abkhazia và Nam Ossetia. Nga cũng duy trì hiện diện quân sự tại hai vùng này, khẳng định đây là hành động phù hợp với nguyện vọng của người dân địa phương.


Source link: https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-tinh-lap-can-cu-tren-bien-den-ukraine-hanh-dong-quyet-liet-20231218160252364.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *