Chuyện đôi “rắn thần” tu ở ngôi chùa nổi tiếng miền Trung là có thật

Đôi “rắn tu” dài hàng mét gồm một đực một cái thường “rủ” nhau từ núi Ngũ Phong về chùa Tra Am (thôn Tứ Tây, phường An Tây, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Kì lạ hơn nữa khi cặp rắn này chỉ xuất hiện tại chùa vào các ngày sóc vọng (các ngày 1, 15, 30 hàng tháng) và trú lại qua đêm trong hang cây da cổ thụ rồi lặng lẽ bỏ đi. Thấy chuyện lạ, một số người cho rằng đây là đôi rắn “có chân tu” nên mới về chùa để “nghe giảng giải kinh Phật”.

Huyền tích cặp “rắn tu” hạ sơn “nghe kinh, lạy Phật”

Giám tự, Đại đức Nguyễn Văn Phương (pháp hiệu Thích Thế Thanh), trụ trì chùa Tra Am cho biết, những năm đầu của thập kỉ 40 thế kỷ trước, người ta bất ngờ thấy có hai con rắn thường đến “vãn cảnh” nhà chùa vào các ngày sóc vọng, ngày lễ lớn. Nhà sư dẫn chúng tôi đến dưới gốc cây da hơn trăm năm tuổi trong khuôn viên nhà chùa, cho hay đấy chính là nơi trú ngụ qua đêm của đôi “rắn tu” vào mỗi dịp ghé chùa.

“Đôi rắn thân hình đen bóng, trên đầu có hình dáng chiếc mào, gồm một con ốm nhưng dài đến hơn 3m; con còn lại to hơn nhưng chỉ dài chưa bằng nửa con kia nên người dân địa phương vẫn gọi vắn tắt cho dễ nhớ là “ông cụt ông dài””, sư thầy giải thích.

Cũng theo lời đại đức Thích Thế Thanh, cặp “rắn tu” chỉ xuất hiện đều đặn vào các ngày sóc vọng hàng tháng, bình thường hiếm ai bắt gặp. Lúc đầu nhìn thấy “rắn thần”, không ít người rất sợ hãi trước hình thù quái dị, to lớn khác thường của đôi rắn nhưng dần dần quen mắt bởi chúng không hề làm hại bất cứ ai, lại trườn bò một cách nhẹ nhàng.

Gốc cây da được cho là nơi đôi “rắn tu” thường về “nghe kinh Phật”

Cặp “rắn tu” luôn quấn quýt bên nhau như hình với bóng. Dường như rất biết “ý tứ” nên đôi rắn không bao giờ tự ý động chạm vào thức ăn của nhà chùa, ngoại trừ thức ăn do chính các sư trong chùa đích thân đem cho.

Điều kì lạ hơn nữa là cứ đến giờ khai kinh gõ mõ, người ta lại chứng kiến đôi rắn ngẩng đầu bất động lắng nghe một cách “chăm chú” khó hiểu. “Nhiều hôm giữa đêm khuya thanh vắng còn có tiếng gáy kì lạ phát ra từ hốc cây da, tất cả sư sãi trong chùa cũng như dân làng đều nghe rõ mồn một. Sáng mai sau khi nghe hết kinh phật, đôi rắn lại nhằm hướng núi Ngũ Phong gần đó trườn về”, sư thầy Thích Thế Thanh thuật lại.

Cho rằng nhà chùa có “căn duyên”, “đất có lành chim mới đậu” nên vị tổ sư của chùa ngày đó (cũng là sư phụ của sư thầy Thích Thế Thanh, nay đã quá cố) cho lập am thờ đôi rắn ngay dưới gốc cây da, nơi hai “ngài” rắn thường trú ngụ mỗi khi “hạ sơn” xuống chùa. Cho đến những giây phút cuối đời, trước lúc viên tịch vị tổ sư không quên trăn trối căn dặn đệ tử phải hết sức trông nom am thờ dưới gốc đại thụ này.

Đại đức Thích Thế Thanh

Những cuộc kiếm tìm vô vọng

Với mong muốn tìm hiểu thực hư câu chuyện đôi rắn về chùa Tra Am “nghe kinh lạy phật”, phóng viên đã tìm gặp cụ bà Võ Thị Mỹ (86 tuổi) là người cao niên nhất khu vực. Chỉ vừa nghe đề cập đến chuyện có hay không cặp rắn khổng lồ về chùa, cụ Mỹ đã khẳng định: “Hồi đó tui mới 14 tuổi, nhà lại gần chùa nên thường sang quét dọn, thắp nhang tại chùa.

Tận mắt tôi đã nhìn thấy đôi rắn to bằng cổ chân trườn từ bên ngoài vào chùa. Trước khi qua cổng chùa, cặp rắn đều cúi đầu ngúc ngắc hai cái như thể con người cử hành nghi lễ lạy bái vậy. Lúc đầu thấy hai “ngài” tui chết lặng sợ hãi nhưng rồi quen dần vì “các ngài” không hề làm hại hay dọa nạt người làng như rắn thường”.

Hình dáng, màu sắc lẫn cử động của “rắn thần” được cụ Mỹ mô tả y hệt lời sư thầy Thích Thế Thanh thuật lại. Chuyện về cặp rắn thậm chí còn trở thành truyền thuyết mà người địa phương nào cũng biết. Anh Phùng Nguyễn Huy Du, người dân thôn Tứ Tây cho hay: “Tuy không tận mắt chứng kiến nhưng ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được cha nhiều lần kể lại thời xưa có hai con rắn to thường hay về làng, vào chùa Tra Am nghe sư thầy tụng kinh niệm Phật. Chuyện “rắn tu” ở đây ai mà chẳng biết”.

Cụ Võ Thị Mỹ khẳng định tận mắt đã chứng kiến cặp “rắn tu”

Vậy đôi rắn tại sao không xuất hiện nữa?. Sư thầy Thích Thế Thanh nét mặt đăm chiêu cho biết đôi “rắn thần” về chùa trong suốt thời gian khoảng gần một thập kỷ thì “mất tăm hơi”. Kể từ đó không còn ai nhìn thấy “rắn thần” đến “vãn cảnh” chùa. Cũng đã có lần người làng đi tìm tung tích “ông cụt ông dài” ở núi Ngũ Phong nơi đôi rắn hướng về sau khi “nghe kinh, lạy phật” nhưng không thấy dấu vết gì.

““Nhân sinh quan thì sanh trụ dị diệt, thế giới quan thì thành trụ hoài không”; có nghĩa rằng “ở đời cái gì cũng chỉ xuất hiện trong thời gian nhất định nào đó, có sinh ra ắt có biến mất”. Đó là duyên phận ở đời”, sư thầy Thích Thế Thanh giảng giải. Từ quan niệm đó, ông cũng trải lòng không lấy đó làm điều phiền lòng. Nhiều người dân địa phương lại lí giải khác, họ bảo nhau thời gian sau này dân cư lên núi dựng nhà sinh sống ngày một đông. Chính bầu không khí ồn ào đã khiến đôi “rắn tu” ít khi hạ sơn như trước kia.

Gốc cây da vẫn còn đó, chiếc hang lớn được cho là nơi trú ngụ của đôi rắn thần vẫn còn, con người từng tận mắt nhìn thấy rắn cũng còn… Câu chuyện đôi rắn thích về chùa có thể chỉ là những chuyện tự nhiên, chẳng có thần thánh ma tà nào nhưng truyền thuyết này vẫn gắn bó với người địa phương như một lời nhắn nhủ con cháu phải sống phục thiện; như một nét chấm phá đặc sắc cho miền quê giàu truyền thống văn hóa này.

Ngôi chùa báo hiếu

Chùa Tra Am tọa lạc giữa vùng đối núi hoang vu dưới chân núi Ngũ Phong, xây từ năm 1923, vốn là một chòi tranh nhỏ do tổ sư Viên Thành lập nên. Vị tổ sư vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc nhưng vì giác ngộ đạo phật đã xin ra khỏi kinh thành dựng am nhỏ ngày ngày tụng kinh niệm phật. Điều đặc biệt của Tra Am trước tiên nằm ở tên gọi “không hề trùng lặp” với tên gọi hàng ngàn ngôi chùa khác.

Đa phần tên chùa đều được gọi tên theo ngôn từ trích dẫn trong kinh phật nhưng tên gọi Tra Am lại bắt nguồn từ một điển tích mang nặng ân nghĩa. “Thời xưa có câu chuyện về hai cha con đều là tướng giỏi của triều đình. Người cha tên Lê, người con tên Tra.

Trong các buổi thiết triều nhà vua hết lời khen ngợi Tra tài giỏi, phải cố gắng để hơn hẳn cha mình mới xứng nhưng Tra không ngần ngại đáp rằng “Tra bất như Lê” nghĩa dù có lập nhiều chiến công đến mấy ông cũng không bao giờ sánh bằng cha mình, nhờ ơn cha dạy dỗ mới có tướng Tra ngày nay. Sau khi người cha qua đời, Tra đã dựng nhà bên mồ thân phụ suốt hai năm ba tháng để tỏ lòng hiếu nghĩa. Sư phụ tôi cũng vì muốn báo đáp ân nghĩa của ân sư Viên Giác nên mới lên núi lập chùa ngay cạnh mộ sư tổ và lấy tên Tra Am. Ngôi chùa từ đó được biết đến với ý nghĩa báo hiếu”, Đại đức Thích Thế Thanh giải thích.

Chuyện ít ai biết về cặp rắn tu ở một ngôi chùa xứ Huế

Với sự ngạc nhiên pha lẫn niềm lo sợ, tôi đánh bạo hỏi T.T Viện chủ sao không đuổi cặp rắn ấy vào núi, mà để gần chùa như vậy, có thể làm hại đến tánh mạng các vị tu hành, hay các Phật tử hành hương. T.T trả lời rằng: “Chùa chiền là nơi thanh tịnh để chúng sinh tìm đến tu tập, nay chúng sinh đã đến đây tu hành nghe kinh thính pháp, mà đuổi họ (chỉ cặp rắn) đi thì không hợp đạo lý, hơn nữa họ không làm gì hại đến ai cả, vả lại muốn đuổi họ đi, thì không ai có đủ sức đuổi họ, hãy chờ thời công phu sáng thì quí vị sẽ thấy họ và chứng kiến sự hiền hòa của họ.”

Năm 1940 là năm mà Việt Nam và toàn cõi Đông dương bắt đầu nếm mùi khói lửa cuộc chiến tranh Mỹ Nhật tại Thái Bình Dương lan rộng, và năm ấy tôi đang học tại trường Khải Định Huế. Con nhà nghèo xứ Quảng ra chốn Thần kinh để học một trường lớn có danh tiếng là một may mắn nhất của thời ấy.

Ðược vậy là nhờ sự cố gắng vượt mực của bản thân, và nhờ sự giúp đỡ của một người anh bà con về mặt tài chánh. Ông này thỉnh thoảng từ Quảng Nam ra Huế để thăm viếng một người bà con đang xuất gia và đang tu tập tại Chùa Trà Am, Huế.

Chùa Trà Am sau đổi tên Mật Sơn Tự, là một ngôi chùa nhỏ, nằm sau lưng núi Ngự Bình. Muốn đến chùa phải đi theo con đường đất đỏ, chạy sau lưng núi từ phía An Cựu, rẽ qua trái, băng qua một dòng suối, đi ngang trước nghĩa trang của gia đình họ Nguyễn Khoa, nép theo các hàng tre xanh dẫn đến cổng chùa. Ngôi chùa này cũng như bao ngôi chùa ở Huế, có vườn mít, chuối, chè xanh, có một hàng trúc cao bao bọc. Chùa này thuộc loại chùa nghèo, vách xây, mái lợp ngói âm dương, sân chùa lát gạch, bên trong chánh điện tráng xi măng, cách xa phía sau chùa khoảng 100 m, có ba ngôi tháp của các vị trụ trì đã viên tịch. Mỗi lần anh tôi ra thăm người bà con tại chùa là mỗi lần tôi tháp tùng anh tôi để viếng chùa, lễ Phật, và nếu gặp dịp nghỉ lễ vài ngày, thì tôi ở lại chùa với anh tôi trước khi trở về đất Quảng.

Điểm sâu đậm đặc biệt ám ảnh mãi trong tôi, mỗi khi nhớ Huế là nhớ đến cặp rắn tu ở chùa này. Trong chuyến viếng chùa lần đầu tiên, khi sương chiều buông xuống sau sườn núi Ngự Bình và sau khi tiếng chuông công phu chiều vừa chấm dứt thì người bà con của anh tôi cho biết là trong chùa này có cặp rắn khổng lồ dưới đất của các ngôi tháp, vào đợt công phu lúc 3 giờ sáng thường hay bò vào chánh điện để nghe kinh, và xong thời kinh thì bò lại về hang xuống tháp.

Theo lời của người ấy cho biết thì cặp rắn này ở chùa này đã lâu, rất hiền, không nguy hiểm, không đáng sợ, vì trong mấy năm tu ở đây, ông ta chưa bao giờ thấy hay nghe nói cặp mãng xà này làm hại ai cả, mặc dù ngoại hình dễ làm cho người nào gặp lần đầu cũng phải khiếp đảm vì sự to lớn của thân hình bởi những khoang rằn ri màu vàng và đen sọc trên các vảy dầy sắp lớp trên mình.

Chúng tôi đang nghe kể lại về chuyện cặp rắn tu thì Thượng tọa Viện chủ chùa bước đến. Với nụ cười hồn nhiên và đôn hậu của một vị chân tu, ông nói thêm rằng đừng sợ sệt hay lo lắng chi cả, những lúc đầu chưa quen thì cứ ngồi yên trên giường, rút chân lên, để xem cặp rắn bò vào nghe kinh.

Với sự ngạc nhiên pha lẫn niềm lo sợ, tôi đánh bạo hỏi T.T Viện chủ sao không đuổi cặp rắn ấy vào núi, mà để gần chùa như vậy, có thể làm hại đến tánh mạng các vị tu hành, hay các Phật tử hành hương. T.T trả lời rằng:“Chùa chiền là nơi thanh tịnh để chúng sinh tìm đến tu tập, nay chúng sinh đã đến đây tu hành nghe kinh thính pháp, mà đuổi họ (chỉ cặp rắn) đi thì không hợp đạo lý, hơn nữa họ không làm gì hại đến ai cả, vả lại muốn đuổi họ đi, thì không ai có đủ sức đuổi họ, hãy chờ thời công phu sáng thì quí vị sẽ thấy họ và chứng kiến sự hiền hòa của họ.”

Nghe T.T Viện chủ giải thích như trên, chúng tôi cũng tạm yên tâm song chưa hết thắc mắc, nằm trên giường nghĩ miên man, mà ngủ hồi nào không hay, đến khi nghe các tiếng chuông của đại hồng chung ngân vang, chúng tôi mới thức giấc, bèn ngồi xồm dậy, xem đồng hồ thì đã 3g30 sáng, và buổi công phu sáng bắt đầu. Tiếng chuông đại hồng kèm theo tiếng niệm danh hiệu các vị Phật của chú tiểu sa di vừa chấm dứt, các đèn dầu và nến được thắp sáng thì T.T Viên chủ, đắp y hậu chỉnh tề, bước lên chính điện để niệm hương thỉnh Phật.

Xong phần này, T.T ngồi trên tọa cụ, một tay chuông, một tay mỏ bắt đầu tụng kinh. Độ 5 phút sau, khi chúng tôi còn ngồi xổm trên giường tre, thì bỗng nghe những tiếng đập bạch bạch dưới nền chánh điện, và qua ánh đèn dầu và đèn nến, chúng tôi thấy rõ ràng một con rắn to, dài độ 1m50, thân hình tròn, óng ánh xanh như một ống tre luồng cỡ bằng bắp chân người, trên đầu có một cái mồng đỏ như mồng gà trống, nhưng mồng không đứng thẳng, mà lại ngả sang một bên, giống như đội mũ ca-lô trên đầu. Tiếng đập bạch bạch dưới đất là do cái đuôi rắn đập xuống nền, khi di chuyển, vì hình như có phần cuối của đuôi bị cụt. Tiếp theo sau là một con rắn khác thân hình đen nhánh, dài độ 2m50 nhưng cái mồng đỏ trên đầu thì nhỏ hơn và đứng thẳng đang bò vào, nhẹ nhàng, ít tiếng động hơn.

Bò qua cửa xong, thì hai con chia làm 2 hướng, bò thẳng về phía bàn thờ, leo lên bàn thờ, và quấn tròn mỗi con một bên, gác đầu lên mình, nằm nghe kinh. Đứng xa ngó vào bàn thờ, người ta có cảm tưởng như hai chồng vỏ xe hơi, sắp lên nhau thấy mà lạnh gáy.

Sau này khi hỏi tại sao một cặp rắn mà con ngắn con dài, 2 mồng trên đầu lại khác nhau, thì người bà con tu trong chùa, giải thích rất trịnh trọng, bằng cách gọi 2 con rắn ấy là “ông dài” và “ông cụt”. Ông cụt là con rắn đực, có mồng lớn, ông dài là con cái có mồng ngắn. Cánh đây mấy năm, cặp rắn này có thân hình bằng nhau, sau vắng bóng một thời gian mấy tháng, khi trở về lại đây, thì con rắn đực bị cụt đuôi, có lẽ qua một cuộc hành trình nguy hiểm trong rừng sâu, hay sau một cuộc chiến đấu sinh tử với một con thú khác trong rừng, nên bị trọng thương, mình mẩy bị đầy thương tích, phải dưỡng thương trong hang dưới tháp mộ mấy tháng. Và trong lúc ấy chỉ có con cái vào chánh điện nghe kinh mà thôi, mỗi buổi sáng. Ông cho biết thêm, ban đêm vào khoảng khuya, lúc 12 giờ đến 1 giờ sáng, trong chùa nghe những tiếng gáy của gà tre, thì đó là tiếng gáy của ông cụt, nhất là trong những đêm trăng sáng, con ông dài thì không bao giờ nghe gáy cả.

Buổi kinh mai tụng vừa xong, chuông được một hồi, mõ chấm dứt, trong khi T.T Viện chủ quỳ lạy để rút lui, thì cặp rắn từ từ bò xuống, và trườn ra khỏi cửa như khi mới vào, và tiếng động của ông cụt mỗi lúc xa lần, về hướng các tháp mộ. Trong tuần trà buổi sáng, khi gặp lại Thượng tọa Viện chủ, ngài mỉm cười hỏi chúng tôi đã thấy cặp rắn ấy chưa, và giảng thêm: “Trong các kinh Phật, quí vị thường nghe nói đến 4 chữ Thiên Long Bát Bộ. Là 8 loại chúng sanh nguyện phát tâm bảo vệ chánh pháp, hộ trì Tam Bảo, mà rắn là một trong bát bộ, vì họ cũng biết nghe kinh, thính pháp, tu tập hành trì, nên tâm linh của họ thăng tiến. Và qua một thời kỳ tu tập lâu dài vài nghìn năm, cũng có thể tiến hóa từ động vật, súc sanh đến quả vị loài người, và từ cõi người lên các cõi chư thiên, hay quả vị giác ngộ và thành Phật. Quí vị còn nhớ, ngày trước, khi đức Thích Ca đang tu khổ hạnh, ngồi dưới cội Bồ Đề, trong dãy Tuyết Sơn, có nhiều ngày bị mưa lũ hoành hành các thần rắn đến quấn quanh mình Ngài, dùng 7 đầu xoè ra che cho Phật khỏi bị ướt, cũng như trong các chuyện Tàu, các mỹ nữ Thanh Xà, Bạch Xà cũng là các con rắn tu lâu năm, Đắc Kỷ hay Nguyệt Cô đều do những con hồ ly tu lâu năm thành người v.v…”

Được hỏi về các lối sống của cặp rắn tu, thì T.T Viện chủ cho biết họ không ăn thịt, chỉ ăn bó hoa tàn, cúng thải ra, các vỏ bầu bì, dưa, mướp đặt dưới chân các tháp mộ.

Từ ấy đến nay, sau khi người bà con chuyển tu đến một chùa khác, chúng tôi không có dịp trở lại chùa Trà Am nữa, cho đến 30 năm sau, có dịp đến chùa Già Lam ở Gò Vấp Sài gòn, để vấn an Hòa thượng Trí Thủ vì lúc trước HT có một thời gian tu tại chùa Trà Am, khi nhắc đến cặp rắn tu ở chùa này, thì HT cho biết là sau ngày rằm tháng 7 năm 1945, trong mùa thu, người trong chùa không còn thấy cặp rắn vào nghe kinh ở chùa Trà Am nữa.

Về các cặp rắn tu, tôi có duyên hội kiến với T.T Thiền Tâm tu ở ngôi chùa bên cạnh Vĩnh Minh Thiền Tự ở xã Đại Ninh, thuộc huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng, Ngài cho biết có làm lễ quy y cho mấy cặp vợ chồng rắn trong rừng Bảo Lộc, ra quỳ xin ngài quy y dưới dạng hình người, và nhiều cặp rắn khổng lồ đã vào khoanh tròn trên giường trong thiền thất của Ngài, mặc dù Ngài đã khóa cửa rất kỹ, và khi Ngài ngồi thiền, nhiều cặp rắn đã nằm sát sau lưng Ngài. Các đệ tử của ngài kể lại, trong tang lễ của Ngài khi kim quan của Ngài sắp đưa nhập tháp, kim quan được quàn lộ thiên để các đệ tử đến đảnh lễ, thì một cặp rắn, toàn thân màu vàng, có tỏa ánh sáng, bò đến trước kim quan ngẩng đầu bái 3 bái, và sau đó biến lẹ vào rừng cây xanh ngắt.

Trong đời tôi, thấy rắn và nghe chuyện rắn cũng nhiều như hang rắn tu ở trong núi Sập trong dãy Thất Sơn, con rắn khổng lồ Buông Ay Riên, giữa huyện Cống Sơn giáp ranh tỉnh Phú Yên và Dăk Lăk ở Rừng Lào về, nhưng không có hình ảnh nào khiếp đảm và sống động bằng cặp rắn tu ở Chùa Trà Am, mà đã 50 năm qua, hình ảnh cặp rắn ấy không bao giờ phai nhạt, và câu nói nhẹ nhàng của T.T Viện chủ Chùa Trà Am vẫn còn văng vẳng bên tai: “Phật dạy: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, 4 loài bò, bay, máy, cựa đều có Phật tánh cả, nếu biết tu hành, không chóng thì chầy, đều sẽ đạt Phật tánh ấy ?”

© 2012, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

linh hồnrắn thần
Comments (0)
Add Comment