Cận cảnh ‘nhảy đồng’ trăm triệu tại đền Mẫu

0

Hầu đồng và nhảy đồng là di sản phi vật thể đẹp ở Việt Nam, nhưng nhiều năm nay, hình thức này đã biến tướng và trở thành cách các bà đồng ‘vặt tiền’ người mê tín ngày càng nghiêm trọng.

“Đốt” tiền không tiếc để qua… tứ phủ

Trải qua gần 300 km đường dài, xe của chúng tôi cũng đỗ xuống đường Fansipan (thị trấn Sapa, Lào Cai). Ngoài việc ngắm nhìn phong cảnh núi rừng Sa Pa tuyệt đẹp với những đám mây vần vũ và bầu khí quyển vô cùng dịu mát, chúng tôi còn nghe được những điệu hát theo nhịp đầy lôi cuốn mà theo người tài xế xe khách cho biết, giọng hát đó phát ra tại một ngôi đền cách xe chúng tôi đỗ khoảng 100m.

Khá tò mò vì tiếng nhạc, tôi tiến gần đến ngôi đền mà người tài xế kia chỉ. Xung quanh có tới 3 chiếc ô tô 4 chỗ sang trọng đỗ hiên ngang dưới vệ đường. Tiến gần hơn đến trước cửa đền, một bà lão chừng hơn 70 tuổi, cổ đeo vòng hạt, mặc quần the đen, áo hoa văn đứng nhìn tôi với vẻ mặt lạ lẫm.

Tôi ngay lập tức thanh minh với ánh mắt lạ lẫm đó rằng tôi là du khách, và tò mò muốn biết bên trong sao lại có tiếng hát và nhạc nghe rất hay như vậy. Lúc này bà lão mới tươi cười nói rằng bên trong là một đoàn du khách từ xa đến “hầu đồng Thánh mẫu”.

Các “con nhang” ngồi dưới chiếu chờ “lộc” từ “Thánh mẫu”

Khi tôi tỏ ý muốn tìm hiểu về việc hầu đồng tại đây, bà lão niềm nở kể: “Đây là đền Mẫu thượng thờ Thánh mẫu, đền này có từ nhiều năm nay rồi. Tôi nhà ở gần đây, rảnh rỗi hay qua đây ‘xin lộc’ của tứ trụ Mẫu (gồm 4 thành viên ngồi dưới phụ giúp thanh đồng). Anh cứ ở đây mà xem, hầu như ngày nào cũng có người từ xa đến hầu, lễ không cố định, nhiều tiền lễ to, ít lễ nhỏ, có lễ lớn nhất cả trăm triệu.

Nhiều lúc có mấy chú, mấy cậu đến không đặt trước, họ lại phải trọ ở gần đây đây để đăng ký lấy lượt xin hầu. Ở đây lâu tôi thấy cũng chẳng có gì, thấy nhiều người từ xa đến bảo thiêng, còn tôi sáng rỗi lên đây ngồi xem xin lộc, tối về đan khăn cho mấy đứa trong nhà mang ra chợ bán”.

“Cô đồng” đang múa kiếm cho một lần thay giá

Khi vào xem tận mắt, tôi nhận thấy ngôi đền này cũng khá lâu năm, trong đền có 3 ban thờ chính với đầy ắp những lộc bánh, hoa quả… Trong lễ hầu đồng ở đây có một cô đồng, xung quanh cô đồng có 3 phụ đồng là người thân của cô, chuyên thay giá và nhắc nếu cô quên chi tiết nào đó trong lễ. Ngoài ra có một phụ đồng không thể thiếu chính là người chi lễ lớn nhất (mặc áo sơ mi trắng cầm quạt trong ảnh) thường xuyên làm nhiệm vụ như cài khăn, nâng đuôi áo cho “cô”.

Hiện tại ở đền Mẫu thượng thờ Thánh mẫu, buổi hầu đồng lớn nhất có tới 36 giá. Lên đồng ngoài ngũ quả thiết yếu thì tiền là một phần có thể nói làquan trọng nhất của buổi hầu. Ở buổi hầu đồng này, theo như lời của những người ngồi xem trước cho biết, đoàn khách đã phải chi tới hơn 80 triệu đồng để qua “tứ phủ”. Số tiền này ngoài chi cho cô đồng và các phụ đồng, còn phải dâng lễ tạ các thánh, các mẫu, tiền hoa quả ở các ban, đổi tiền lẻ để chia lộc cho các “con nhang” và du khách tới xem.

Tiền bay… may tới

Theo như văn hóa lên đồng thì tiền không phải là thứ quan trọng nhất. Tuy nhiên, hiện nay nét văn hóa này đã bị biến tướng khác xa khi nhiều nơi mỗi khi muốn hầu đồng, giá của lễ thấp nhất là 20 triệu đồng, còn cao nhất thì… không biên giới. Đa phần những người muốn hầu đồng là những người làm ăn buôn bán, kinh doanh, những người gặp vận hạn đen, thậm chí cả các giám đốc, trưởng phòng cũng xin hầu vì muốn trụ vững và thăng cấp.

Tiền bay... Tiền bay… “may tới” trong lễ hầu đồng

Trong buổi hầu đồng, mỗi lần “cô” đồng vung tiền là những người xung quanh hò reo, nhạc cũng đánh theo nhịp tưng bừng, rộn ràng. Theo lời mọi người, thì mỗi lần tiền bay là may tới, ai bắt được tiền của “cô” tung lên thì nhét vào túi và không nên tiêu vì đó là tiền lộc, tuy không nhiều giá trị nhưng đem lại may mắn cho bản thân và người nhà.

Khi thay giá, “cô” đồng hút cả thuốc lá, uống rượu, múa may và theo nhiều người nói, lúc đó là lúc “cô” hóa quan, hóa tướng và phải lắng nghe thật kỹ những lời khuyên hiếm hoi lúc này.

Tính sơ sơ cho những lần “cô” tung tiền cho lộc đã lên tới hàng chục triệu đồng. Quả thực, không rõ hình thức này có thực sự linh thiêng hay không nhưng các “thánh” nếu có hiển linh, cũng sẽ thấy xót xa vì chỉ cách đền chừng 50m thôi, thị trấn Sapa đang còn nhiều người nghèo đói cần trợ giúp.

Nét văn hóa đang bị mai một

GS. TS Ngô Đức Thịnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật hát chầu văn Việt Nam cho biết, những hành vi lợi dụng tín ngưỡng hầu đồng và hát chầu văn để trục lợi đang diễn ra khiến nhiều người lo ngại về sự biến dạng các giá trị văn hóa kinh điển của tín ngưỡng thờ Mẫu, biểu hiện sự dễ dãi trong văn hóa. Việc tổ chức lại, có định hướng và nguyện vọng của những người chầu văn, đưa cho họ kiến thức để họ tự điều chỉnh hành vi của mình, đồng thời đưa hát chầu văn vào bộ môn cần được cộng đồng bảo tồn và phát triển.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, hầu đồng vốn có bản chất là một tín ngưỡng dân gian với phương thức trao gửi vật phẩm để cầu tài cầu lộc. Lẽ thường, càng sắm đồ lễ lớn bao nhiêu thì niềm tin tín ngưỡng càng được thỏa mãn bấy nhiêu.

Còn trong thời hiện tại, nhiều người sở hữu gia tài kếch xù cả hàng trăm, hàng nghìn tỷ thì chuyện tốn một vài trăm triệu đồng hay vài tỷ đồng cho mỗi vấn hầu hàng năm cũng không lấy gì làm lạ. Đó là một niềm tin hồn nhiên trong cuộc trao gửi, cầu xin, đón nhận tưởng tượng của con người.

Lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian (dòng Saman giáo) của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các tín đồ Saman giáo (ông đồng, bà đồng). Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.
Người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng, thanh đồng là nam giới thì được gọi là “cậu”, nữ giới được gọi là “cô hoặc bà đồng”. “Cậu” thường mặc bộ quần áo lụa, mặt tô son điểm phấn (tóc có thể để dài như con gái). Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng ) đi theo thanh đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt…

© 2012, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Leave A Reply