Đèn Dầu Trong PT Âm Trạch

0

Thời gian qua có rất nhiều người hỏi PTPK về vấn đề đèn dầu đặt trên ban thờ ra sao? đặt và sử dụng thế nào để đạt được hiệu quả về mặt tâm linh? Hôm nay PTPK xin phép được viết đôi dòng về vấn đề này để bạn đọc được hiểu rõ hơn, và cố gắng giải đáp các thắc mắc của các bạn quan tâm đến vấn đề này. Trong phong thủy nói chung và phong thủy âm trạch nói riêng, thực không thể nói bừa vì vậy trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không đề cập sâu đến các pháp (chỉ dành cho người tu luyện, hoặc người am hiểu sâu về PT âm trạch) khi thỉnh đèn và đặt đèn để kích hoạt, hội tụ trường khí, mà chỉ phân tích về công dụng cũng như cách thức gia chủ sử dụng, sau khi đã được thầy pháp đặt cố định trên ban thờ.



  Đèn là một trong những loại đồ vật thường thấy, đèn có chức năng chiếu sáng. Ánh sáng của đèn xua tan đi bóng đêm. Đèn cũng chính là công cụ phong thủy mạnh và hiệu quả, lúc lắp đèn nhất định không thể không chú ý. Ánh đèn có hai đặc điểm lớn, một là ánh sáng, hai là nhiệt năng. Ánh sáng và sức nóng đều là biểu hiện của năng lượng. Nó đủ để ảnh hưởng tới sự thay đổi về cát hung trong phong thủy. Trong phong thủy âm trạch chúng ta thường thấy về cơ bản có hai loại đèn được sử dụng đó là đèn điện và đèn dầu. Vậy câu hỏi đầu tiên đặt ra là trong PT dùng loại đèn nào? Xin thưa với các bạn, chúng ta sử dụng cả hai loại, nhưng khác nhau ở chỗ sử dụng từng loại thế nào? và phân bổ chúng ra sao?. Trong bài viết này PTPK không phân tích về loại đèn điện, mà cơ bản các bạn chỉ cần nhớ đèn điện chỉ nên dùng để trang trí, hoặc chiếu sáng với số lượng hạn chế nhất định, không nên dùng bừa, hay quá nhiều sẽ dễ làm hỏng trường khí (năng lượng âm), của không gian thờ hay bàn thờ, vì bản thân đèn điện hay dòng điện có từ trường, thứ nữa nếu dùng quá nhiều sẽ tạo ra các quang sát, xung chiếu tới đồ thờ như tượng, bát hương… Đặc biệt khi dùng các đèn công suất lớn để chiếu sáng sẽ làm cho năng lượng âm sẽ khó hội tụ (hay còn gọi người âm khó ngự), bởi vì các vong linh không thích ánh sáng quá lớn. Các bạn có thể dễ dàng nhận thấy, ngày xưa trong các chùa chiền, am,..người ta chỉ thắp đèn với mật độ ánh sáng khá thấp, chứ không thắp quá sáng rực rỡ. 



  Vậy còn đèn dầu thì như thế nào? trước hết đèn dầu là thứ nối về quá khứ, và là biểu tượng gắn bó mật thiết với đời sống con người “Sống đèn dầu, chết kèn trống”. Đèn dầu là thứ không thể thiếu trong tất cả các nghi lễ quan trọng, là thứ ánh sáng không thể thiếu trên ban thờ. Hiện tại chúng ta khi vào chùa, đình, đền… dễ dàng bắt gặp sự tồn tại của đèn dầu được đặt trang trọng trên ban thờ. Tạm bỏ qua các yếu tố khi sử dụng đèn dầu để đạt được sự linh nghiệm mong muốn trong tâm linh. Xét riêng về mặt phong thủy chúng ta thấy, trên ban thờ phải hội tụ đầy đủ sự hiện diện của ngũ hành bao gồm kim, thủy, mộc, hỏa, thổ không thể thiếu ngũ hành nào 24/7, có như vậy mới đạt được sự cân bằng và kích hoạt được phúc lộc, ngoài lúc thắp hương, hay thắp nến chúng ta thấy có yếu tố của hành hỏa, còn lại thì không có, như vậy sẽ thiếu hụt đi sự cân bằng theo thuyết ngũ hành. Lúc này sử dụng đèn dầu là giải pháp tốt, vì chúng ta khó có thể thắp hương hay nến liên tục…Thứ nữa, theo PT ban thờ, đèn dầu phải đặt đúng vị trí (Dựa vào tọa hướng của ban thờ, phối mệnh quái và cách sắp xếp các đồ thờ khác, điều này quyết định tới 50% hiệu quả), lúc này đèn được gọi là đèn Thái Cực. Trước khi chưa phân Trời Đất thì Khí Hư Vô bao quát  Càn khôn, sáng soi đầy vũ trụ. Nó là một cái trung tâm điểm, tức là Đạo. Đạo ấy mới sinh Thái Cực, hóa Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi là Âm với Dương (động với tĩnh). Có Âm Dương rồi mới hóa sinh ra muôn vật. Ngọn đèn  thờ chính giữa đó là  không lay động xao xuyến, chiếu soi khắp cả Càn khôn. Mặt Nhật mặt Nguyệt có lúc sáng lúc  tối, chớ nó thì giờ khắc nào cũng tỏ rạng, không lu lờ. Muôn vật nhờ đó mà sinh, nhờ đó mà thành, nhờ đó mà an vui. Trời Đất nhờ đó mà quang minh trường cửu… Đèn Thái Cực còn tượng trưng ngôi Thái Cực của Đức Chí Tôn. Ngôi Thái Cực là một khối Đại linh quang, là khởi điểm của càn khôn vũ trụ, mà mỗi linh hồn của chúng ta là một điểm Tiểu linh quang chiết ra từ khối Đại linh quang ấy. phải luôn luôn được đốt sáng, dầu có cúng hay không cúng, vì đèn Thái Cực còn tượng trưng cho cái tâm của ta, đó là ngọn tâm đăng nên phải đốt sáng  luôn luôn cho cái tâm của ta thường sáng.
   Hai bên trái phải luôn được đặt đôi đèn (đèn này có thể dùng đèn điện, và chúng ta có thể đặt hai bên phía trước của đèn Thái Cực, tạo thành hình tam giác), được gọi là đèn lưu ly. Hai đèn này chỉ được thắp (bật) khi chúng ta thắp hương, thể hiện Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (âm dương), chân nến bên trái (từ trong bàn thờ nhìn ra): tượng trưng cho mặt Trời; chân nến bên phải là mặt Trăng, đèn Lưỡng Nghi khi cúng xong thì tắt. 



   Về chất liệu của đèn dầu, chúng ta nên sử dụng các đèn được làm từ sành, sứ, thủy tinh… không nên dùng đèn làm từ kim loại. Về màu sắc của đèn tùy thuộc vào tuổi của gia chủ (dựa trên cung phi, mệnh khuyết, tứ trụ…). Chiều cao của đèn (bao gồm cả đế để đèn nếu có) phải theo Hà Đồ Ngũ Tử Vận Phối Với Tiên Mệnh Quái, để lấy chiều cao thích hợp. Và điều cuối cùng, cũng giống như các vật phẩm PT thờ cúng khác, trước khi sử dụng chúng ta phải nhờ thầy hoặc người biết (nhưng phải là người tu đạo) tẩy uế, thanh tịnh và gia trì mật chú vào để tăng cường công năng về mặt tâm linh, bởi khi sử dụng đèn dầu còn coi như pháp khí bảo vệ ngăn không cho các năng lượng xấu, và xua đuổi tà ma, bùa chú,… giúp cho những vong linh được thờ (thần,thánh, gia tiên…) không bị quấy phá hay ngăn cản không thể ngự được. Điều này sẽ làm cho gia chủ được phù trợ và lợi lạc rất nhiều.
  Điều lưu ý cuối cùng cũng quan trọng bậc nhất là chúng ta phải hết sức cẩn thận, khi sử dụng để tránh hỏa hoạn do chúng ta thắp đèn thường xuyên. Không nên để đèn sát ngoài mép ban, không vặn lửa quá to, chỉ cần lửa cháy nhỏ là được. Phải để đèn thật vững trãi và chắc chắn, tránh va chạm hoặc cản trở khi thắp hương dễ làm đổ đèn, cẩn thận chuột, mèo… Nếu cần thiết có thể dán chặt chân đèn vào mặt ban để tăng cường độ an toàn.

© 2016, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Leave A Reply