Giang Thanh chối tội trong ‘phiên tòa thế kỷ’

0

Khi đương quyền, Giang Thanh phê chuẩn lệnh bắt những người bị vu là phản cách mạng, thậm chí cả đầu bếp và người giúp việc của họ cũng không thoát. Nhưng trước tòa, người phụ nữ này nói bà ta làm theo đúng luật và vì thế khăng khăng bác bỏ tội trạng.

Giang Thanh vùng ra khỏi tay nữ cảnh sát trong phiên xét xử. Ảnh: Thmz

Chiều ngày 3/12/1980, tòa tiếp tục xét hỏi Giang Thanh, chủ yếu về việc Giang Thanh vu khống, hãm hại chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và phu nhân Vương Quang Mỹ.

Giang Thanh vẫn cố tỏ ra bình thản, chỉnh trang lại quần áo, chải tóc, ngồi ngay ngắn trên ghế bị cáo. Bà ta nhìn vô định vào không trung, bất chợt bắt gặp ánh mắt của một người. Người đó mặc áo màu xanh, trên cổ quàng chiếc khăn màu vàng, đó là phu nhân của Lưu Thiếu Kỳ. Trước kia, Giang Thanh từng muốn hại Vương Quang Mỹ đến chỗ chết, nay bà ta phải ngồi vào ghế bị cáo của phiên tòa lịch sử, thật là một cảm giác trớ trêu.

Thẩm phán trưởng hỏi Giang Thanh: “Tháng 5/1976, sau khi tổ chuyên án điều tra Lưu Thiếu Kỳ, Vương Quang Mỹ, được thành lập, do bà làm chủ quản, bà đã khống chế và lôi kéo đồng bọn là Khang Sinh, Tạ Phú Trị, làm giả chứng cứ, vu cáo họ ‘phản bội’, làm ‘nội gián’, ‘phản cách mạng’, những điều này có đúng không?”

“Tôi tham gia vào tổ chuyên án vì tôi được trung ương nhờ cậy. Với lại… với lại… tôi cũng chỉ là phụ tá”, Giang Thanh nói.

Tòa đưa ra một loạt bằng chứng, trong đó có đoạn băng ghi âm Giang Thanh gặp gỡ đoàn kinh kịch và đoàn âm nhạc Trung Quốc ngày 18/9/1968. Trong đoạn băng nghe rõ Giang nói: “Tôi là người phụ trách cao nhất của tổ chuyên án. Lưu Thiếu Kỳ là tên phản cách mạng, tên nội gián, là điệp viên, là tên phản bội độc ác toàn diện”. Tuy nhiên, Giang Thanh không công nhận nói như vậy là có tội.

Tòa chỉ ra rằng Giang vu cáo, hãm hại Lưu Thiếu Kỳ, Vương Quang Mỹ, bắt giữ người vô tội, ép cung, làm giả chứng cứ. Từ tháng 5 đến tháng 10/1967, Giang quyết định bắt giữ hơn 10 nhân viên của Lưu Thiếu Kỳ, thậm chí cả đầu bếp, người giúp việc cũng không tha.

Tòa lại hỏi: “Có sự việc đó không?” Giang Thanh nói: “Tôi quên rồi” nhưng lại nói thêm rằng: “Như vậy là đúng luật”. Tòa hỏi: “Việc bắt này do ai phê chuẩn (mà gọi là đúng luật)?” Giang Thanh trả lời: “Não của tôi bị tổn thương, tôi bị cao huyết áp nên không nhớ nữa”. Những người theo dõi phiên tòa đều không ngờ rằng bà ta ngoan cố đến như vậy.

Bị cáo không nhận tội, tòa phải mời nhiều nhân chứng để chứng tỏ tội lỗi của Giang Thanh. Ảnh: AFP

Tòa án dùng đến máy chiếu, phát đi hình ảnh bức thư Vương Đông Hưng gửi Giang Thanh, Tạ Phú Trị ngày 8/6/1967, về việc bắt giữ Hách Miêu, đầu bếp của Lưu Thiếu Kỳ và bút phê của Giang: “Tôi đã xem hồ sơ của Hách Miêu, thực sự có rất nhiều nghi vấn, có thể là điệp viên của Quốc dân đảng, tôi đồng ý với chỉ thị của đồng chí Giang Thanh, bắt giữ và xét hỏi Hách Miêu ngay lập tức”. Giang Thanh phê chuẩn: “Đồng ý”.

Đêm 8/6/1967, đột nhiên xuất hiện một vài người gọi Hách Miêu ra khỏi nhà, đẩy vào xe ô tô. Xe dừng trước cửa trại giam và một người nói “Ông đã bị bắt”. Người hỏi cung liên tiếp bắt Hách phải “cáo giác những tội ác” của Lưu Thiếu Kỳ. Hách Miêu trả lời: “Lưu Thiếu Kỳ là cán bộ to như vậy, tôi chỉ là một đầu bếp, cả ngày ở trong bếp, làm sao biết được chuyện gì. Còn về phu nhân Vương Quang Mỹ, trước khi giải phóng tôi còn là học sinh, tôi chưa từng gặp bà ấy, làm sao tôi biết được bà ấy có phải điệp viên hay không”.

Hách Miêu xuất hiện tại tòa với tư cách nhân chứng: “Lưu Thiếu Kỳ bị họ giam giữ 6 năm mà cũng không giải thích vì sao ông ấy bị bắt. Sau thời gian dài chịu đựng sự tra tấn về thể xác và tinh thần, ông ấy bị huyết áp cao và bệnh tim mạch. Mãi đến năm 1979, sau khi sự thực được sáng tỏ, ông ấy mới biết người ra lệnh bắt ông chính là Giang Thanh, còn gán cho ông tội danh điệp viên của Quốc dân đảng”.

“Tôi có ý kiến”, bất chợt Giang Thanh lên tiếng và hỏi lại: “Các ủy viên trung ương bây giờ thời đó cũng phê bình Lưu Thiếu Kỳ, nếu tôi có tội còn các ông thì sao? Cách mạng không có tội, tạo phản hợp lý”, Giang Thanh hô khẩu hiệu đặc sản của thời cách mạng văn hóa ra trước tòa. Trong những phiên xử tiếp theo, Giang Thanh vẫn một mực không nhận tội.

Ngày 25/1/1981, Tòa án đặc biệt đã kết án tử hình đối với Giang Thanh, Trương Xuân Kiều – những kẻ cầm đầu “bè lũ bốn tên”. Thời gian hoãn thi hành án là hai năm và tước bỏ quyền lợi chính trị vĩnh viễn. Án này được giảm xuống chung thân vào năm 1983. Giang Thanh phải trải qua những ngày cuối cùng của cuộc đời trong những bức tường lạnh lẽo – điều mà bà ta chưa bao giờ tính đến trong kế hoạch cướp chính quyền từ tay những người Cộng sản Trung Quốc. Tháng 5/1991, Giang Thanh được cho ra ngoài để chữa bệnh và được cho là tự sát trước khi quay lại nhà tù.

Nhà tù nơi giam giữ Giang Thanh

Nhà tù Tần Thành (Qincheng) nằm ẩn khuất ở ngoại ô Bắc Kinh, được xây dựng từ năm 1960 và là nơi giam giữ những tội phạm chính trị và tội phạm trong quân đội của Trung Quốc. Ảnh: AP

Nhà tù được bao bọc bởi bức tường cao và một ruộng ngô. Nơi này được canh gác cẩn mật bởi nhiều cảnh vệ và các loại cổng, cửa. Ảnh: AP

Đây là nơi giam giữ Giang Thanh kể từ sau khi bà này bị bắt năm 1976 và cũng được cho là nơi giam giữ Cốc Khai Lai, vợ của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, bị xử tử hình cho ân hạn hai năm hồi tháng 8, vì tội giết người. Ảnh: AP

Con đường dẫn vào nhà tù khá lầy lội. Ảnh: Typepad

Bức ảnh vệ tinh chụp phía bên trong nhà tù. Ảnh: Njygj.blog.163

Nhà tù đặc biệt ở ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh: Panoramio 

© 2012, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Leave A Reply