Hướng dẫn cách đặt và dùng bộ Tam Sự – Ngũ Sự trên ban thờ.

0

    Nhiều bạn nhắn tin và gọi điện hỏi PTPK về bộ Tam Sự – Ngũ Sự. Tựu chung lại thì phần đa là câu hỏi : “về cách sắp đặt trên ban thờ và cách dùng ra làm sao? trước khi dùng có cần làm gì không?”. Vậy nhân đây PTPK xin được viết đôi điều về vấn đề này, mong các bạn được hiểu rõ để sắp đặt và dùng cho đúng, có như vậy mới đạt được kết quả “Âm Phù – Dương Trợ”, tránh hiểu sai dùng sai thì có khi kết quả lại ngược lại. Trong bài viết này PTPK chỉ phân tích về các bộ này còn cách sắp đặt toàn bộ Ban Thờ,Khảm thờ… theo cổ truyền cần tham khảo thì mọi người có thể đọc bài viết của PTPK tại địa chỉ :http://phongthuyphikim.blogspot.com/p/viec-tho-cung-trong…



Đối với các bộ này thoạt nghe thì rất dễ hình dung ra cách sắp đặt cũng như công năng của nó, bởi chúng ta có thể dễ dàng quan sát hoặc xem hình ảnh cách sắp đặt của nhiều gia đình xung quanh hay trên mạng, từ đó ta có thể học theo và áp dụng cho ban thờ nhà mình. Tuy nhiên cũng có vài cách thức sắp đặt khác nhau, nhiều ý kiến trái chiều, nhưng tựu chung thì chỉ có hai cách. Một là bộ Tam, Ngũ, Thất sự được đặt phía trong cùng của Ban Thờ (nếu thờ ngai thì phải trước ngai), hai là phía đằng trước của ban thờ… Vậy để biết sai đúng ra sao, trước tiên PTPK sẽ trả lời hai câu hỏi : “Công dụng của nó ra sao, và trước khi dùng phải làm thế nào?” khi đã rõ thì chúng ta sẽ biết cách sắp đặt.
Trước tiên bộ Tam, Ngũ sự là những bộ đồ thờ phổ biến trên bàn thờ gia tiên người Việt. Bộ Tam Sự bao gồm một Lư Hương, một đôi hạc hoặc đôi chân nến. Bộ Ngũ Sự gồm Lư Hương, đôi chân nến và đôi hạc, Thất sự bao gồm Ngũ sự và Đèn Thái Cực (PTPK đã có bài viết về đèn này) và đỉnh đồng, Cửu Sự bao gồm Thất Sự thêm Độc Bình, Đĩa trái cây… Ngoài ra còn các món khác như : Bộ đài nhỏ với 3 chén đựng nước, cúng rượu, Ống Hương, bộ ngai xuyến có thể dùng bộ 3 chén hoặc 5 chén cúng nước, chóe,… Nói về chất liệu thì các bộ này thường sẽ được làm bằng đồng, gỗ, sứ. Trong đó tùy vào trường hợp cụ thể mà ta phải chọn lựa từng món cho đúng, theo nguyên tắc Ban Thờ phải đủ về mặt ngũ hành, bao gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đồ đồng thuộc dương (Kim Khí) đồ sứ thuộc âm (Thổ khí). Trong đó các món như Đỉnh, Hạc, Chân đèn dùng chất liệu đồng là tốt nhất, Đỉnh tượng chưng cho Núi vững chãi, trong PT đỉnh còn có tác dụng hóa giải khí của các sao xấu khi chiếu đến hoặc đóng tại ban thờ như Ngũ Hoàng… Trong tâm linh thờ cúng, Đỉnh còn được dùng đốt trầm hoặc một loại dược thảo quý hiếm toả ra mùi thơm thanh khiết cho gian phòng, làm cho không gian phòng thờ thêm linh thiêng, xua đuổi tà khí, uế khí. Ngoài ra Đỉnh được đúc hoặc chạm khắc hình tượng các linh thú như : Nghê, Rồng…có tác dụng bảo vệ, xua đuổi tà khí, những năng lượng xấu. Ngày nay nhiều gia đình không dùng Đỉnh để đốt trầm nữa mà thay vào đó là dùng các bát xông trầm, gọn nhẹ thuận tiện cho việc đốt và vệ sinh, và vì như thế Đỉnh sẽ để rỗng như vậy sẽ không tốt về mặt PT tâm linh, ảnh hưởng đến tài lộc cho gia đình, ta có thể khắc phục hóa giải, và dùng pháp chiêu tài lộc bằng cách cho một ít đá thạch anh và chỉ ngũ sắc (đã được gia trì) vào đó sẽ làm tăng cường được năng lượng tại bàn thờ và khí kim của Đỉnh, đồng thời không để Đỉnh rỗng. Còn đối với Lư Hương khi lập để thờ Thần, Phật không được dùng Lư bằng sứ mà phải bằng Đồng bởi vì Thần Phật thuộc dương, chỉ có thể dùng bằng sứ khi lập thờ gia tiên, tuy nhiên một số gia đình có ban thờ chật hẹp (như ban thờ treo tren tường) không có điều kiện dùng Đỉnh mà chỉ có Lư Hương để thờ thì chúng ta nên dùng Lư Hương đồng trong trường hợp này để không bị bổ khuyết ngũ hành và tăng cường được năng lượng dương tránh để năng lượng âm quá lớn tại ban thờ.


Tiếp theo đó là Đôi Hạc đứng trên Lưng Rùa. Ở Việt Nam hạc là con vật của đạo giáo. Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa trong nhiều ngôi chùa, miếu…, hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm – dương. Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý và thanh cao. Theo truyền thuyết rùa và hạc là đôi bạn rất thân nhau. Rùa tượng trưng cho con vật sống dưới nước, biết bò, hạc tượng trưng cho con vật sống trên cạn, biết bay. Khi trời làm mưa lũ, ngập úng cả một vùng rộng lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa đã được hạc giúp đưa đến vùng có nước. Điều này nói lên lòng chung thuỷ và sự tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn giữa những người bạn tốt. Chim hạc còn gọi là đại điểu hay nhất phẩm điểu là con chim của vũ trụ, của tầng cao, báo hiệu sự chuyển mùa, đại diện cho thế lực siêu nhiên từ trời cao mang tới.
Trong hình tượng trang trí, hạc có kích thước lớn, cao với ước mong phát triển của con người; mỏ dài, nhọn như mũi tên của sự vận động; đôi khi nó ngậm ngọc minh châu biểu trưng cho sang quý, hoặc khi ngậm hoa sen thì biểu trưng cho giác ngộ. Trên đầu hạc thường đội đèn nến thể hiện sự tôn thờ ánh sáng chân lý, ánh sáng giác ngộ, xua đi bóng đen đêm tối. Thân hạc hình khum, tượng trưng cho bầu trời, chân cao như chột chống trời. Với đôi chân nến hay còn gọi là hai cây đèn (đèn cầy – đèn lưỡng nghi) tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Từ những đặc tính cơ bản này, người Việt đã hội dần vào bàn thờ nhiều hình tượng phụ mang tính thiêng liêng khác (mọi người có thể đọc thêm bài viết về đèn tại địa chỉhttp://phongthuyphikim.blogspot.com/…/en-dau-trong-pt-am-… để hiểu rõ thêm).
Như vậy về cơ bản PTPK đã phân tích về ý nghĩa cũng như công năng của một bộ Tam hay Ngũ sự, đến đây các bạn cũng đã nắm được ít nhiều, vậy bây giờ trước khi dùng chúng ta cần phải làm gì? Cũng như các vật thờ cúng khác, chúng ta không thể tùy tiện mua tại cửa hàng rồi về bày ngay được lên bàn thờ (nhất là các vật trọng), Những gì PTPK được gia đình truyền lại, thì theo tập tục của các cụ xưa trước khi để một vật lên ban phải kính cẩn xin phép và phải chọn dịp cuối năm lau dọn ban thờ thì mới thay đổi vật dụng thờ cúng, hiện nay nhiều gia đình nho giáo giữ phép tắc cũ vẫn theo đúng lệ này, còn lại đa số vì nhiều lý do chúng ta có thể thay đổi bất kỳ khi nào có điều kiện cũng như cơ hội (chẳng hạn đi du lịch, công tác đến nơi sản xuất ra các sản phẩm đó chúng ta có thể mua ngay, chứ không lại mất cơ hội). Nhưng có một số nguyên tắc không thể bỏ qua là trước khi dâng cúng chúng ta phải làm một số nghi thức cơ bản như : Thanh Tịnh, Tẩy Uế, Nạp khí…., có như vậy mới tránh được những cái không mong muốn, bởi vì hàng hóa mua về (nhất là hàng không rõ nguồn gốc) rất có thể có tà khí, uế khí, hoặc bị trù ếm vào sẵn…cũng có khi bản thân vật đó trường năng lượng tâm linh rất thấp dẫn đến sự thờ cúng không còn linh nghiệm, thậm chí tai bay vạ gió, tiêu tán tài lộc, rước tà khí về nhà… nếu không may mua phải các sản phẩm như đã nói ở trên. Dưới đây PTPK sẽ nói hướng dẫn đôi điều về các nghi thức chuẩn bị theo phong tục cổ truyền và PT tâm linh, mọi người có thể tham khảo theo đó để làm :
Sau khi mua về, chúng ta chuẩn bị các thứ sau : bát rượu (ít thôi không cần quá nhiều) cho thêm chút gừng tươi đã giã nhỏ, hai khăn vải sạch, một chậu nước tịnh thủy (nếu không có nước mưa, thì dùng nước máy lấy trực tiếp từ vòi), chuẩn bị một cái dàn để phơi đồ và để xông hương lưu ý dàn đặt lộ thiên tốt nhất, hương hoặc trầm, một chút bột tẩy uế hoặc ngũ vị hương (cho vào cốc nước sôi), đá thạch anh (dùng đá loại cúng dường) khoảng 1 kg tùy đỉnh lớn nhỏ, sáu đồng tiền xu (có thể dùng loại tiền âm dương), một đoạn chỉ ngũ sắc được gia trì mật chú (đại bi, chuẩn đề…) một tờ giấy trang kim màu trắng. Chuẩn bị xong mọi thứ chúng ta làm như sau :
B1) Đầu tiên rửa sạch tất cả bộ Tam, Ngũ sự bằng nước sạch cho khỏi bụi bẩn, tiếp đó chúng ta lấy khăn khô lau nhẹ cho hết nước.
B2) Lấy khăn sạch nhúng vào rượu gừng và lau đều toàn bộ các vật phẩm, theo thứ tự từ trong ra ngoài (Lư Hương, Đỉnh..), Lư lau trước, xong đến đỉnh, rồi Hạc, Chân Nến…
B3) Đổ nước ngũ vị hương hòa vào chậu nước Tịnh Thủy, Trì chú Thanh Tịnh pháp giới (7 lần) và tay phải kiết ấn cát tường vẽ chữ Ôm Ram phạn tự vào chậu nước tịnh thủy, hoặc cũng có thể thanh tịnh theo nghi thức của cổ nhân là : Dùng bảy tờ “lá vàng” giấy vàng bạc đốt lên, rà qua rà lại bốn xung và trên mặt chậu nước. vừa làm vừa (đọc) niệm chú Tẩy uế :
“Động trung huyền hư
quang lãng thái ngươn
Bát phương oai thần
Sử ngã tự nhiên
Linh bửu phò mạng
Phổ cáo cửu thiên
Càng la đát na
Động cang thái huyền
Trảm yêu nhược tà
Sát quỉ trung thiên
Ngươn thủy ngọc văn
Trì tụng nhất biến
Khước quỉ viên niên
Án hành ngũ nhạc
Bát hải ma vương
Tri văn thúc thủ
Thị vệ ngã hiên
Ung uế tiêu tán
Đạo khí trường tồn
Cấp như luật lịnh
Án thanh thanh như thủy
Nhật nguyệt huê khai
Bắc đẩu lưu truyền
tẩy trừ uế trược
Tống khứ xa phương” 
B4) Dùng nước này rửa sạch toàn bộ các vật thờ, sau khi rửa xong không đổ nước này xuống cống rãnh, mà đổ lên tường hoặc tưới vào gốc cây.
B5) Đặt toàn bộ các vật phẩm lên cái dàn mà đã chuẩn bị sẵn, phía dưới đốt hương hoặc trầm liên tục (có thể dùng hương vòng) sao cho khói hương (trầm) tỏa đều ra các vật phẩm. Đến tối hoặc giờ Tý là tốt nhất ra khấn “Cầu xin năng lượng Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư Vị Tôn Thần, Cầu xin năng lượng linh thần Tam Tài Định Phúc Táo Quân, ngôi nhà ngụ tại : Việt Nam Quốc,………… Xin được chấp thuận và giúp cho gia chủ thâu nạp linh khí vào vật dụng thờ cúng. Cầu xin chư vị gia tiên chấp thuận đồ thờ tự.”. việc xông hương nạp khí càng lâu càng tốt có thể 3,5,7 ngày.
B6) Với đỉnh đồng trường hợp không đốt trầm hay thảo dược, ta cho giấy Trang Kim lót phía dưới, đổ đá thạch anh vào, sau đó xếp sáu đồng tiền vào trong (mặt dương lên trên). Làm toàn bộ cái này ta có thể chiêu tài đồng thời hóa giải các sát không tốt đóng hoặc chiếu đến ban thờ như Ngũ Hoàng. Lưu ý đồng tiền cũng phải được thanh tịnh và nạp khí.
Như vậy về cơ bản PTPK đã trình bày xong với các bạn các bước cơ bản nhất để việc thờ cúng sao cho tốt nhất và phải đạo. Về cách thức sắp đặt trên ban thờ PTPK sẽ đăng ảnh sơ đồ bố trí đính kèm, mọi người có thể tham khảo nhé.

© 2016, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Leave A Reply