Khổ Và Thoát Khổ, Khoa Học Tâm Linh
KHỔ VÀ THOÁT KHỔ
Xin chào các bạn. Có lẽ vấn đề lớn nhất ở trên trái đất của chúng ta, xuyên suốt cuộc sống và hành trình của mỗi con người đó là một chuỗi khổ đau và bất như ý. Đến nỗi mà mỗi con người chúng ta đã thích nghi và coi đó là hiện tượng rất bình thường, không có gì đáng để nhắc tới. Vâng đó chính là vấn đề của bạn và cả thế giới.
Cái mà các bạn cảm thấy rất bình thường đó khiến các bạn không thể tiếp cận được với niềm vui, niềm hạnh phúc và an lạc chân chính. Ví như một người mù, điếc hoặc câm bẩm sinh mà không ai nói với họ là họ bất bình thường thì họ sẽ cảm thấy rất bình thường vì họ sinh ra đã như vậy. Nếu bỗng nhiên họ được chữa lành, nhìn được, nghe được, nói được thì cả một thế giới mới mở ra, họ như được tái sinh. Giống như người khi giác ngộ vậy.
Vậy tóm lại khổ đau thật sự là gì? Khổ đau thật sự là khi bạn bị đánh và thân xác vật lý của bạn đau, bạn bị bỏ đói và thân xác của bạn phản ứng với cái đói, bạn bị bệnh và thân xác của bạn mệt mỏi rã rời.
Cái khổ đau mà không đến từ thân xác vật lý chúng ta gọi là khổ đau tâm lý. Cái chúng ta cần nhận diện và diệt trừ chính là khổ đau tâm lý. Vậy khổ đau tâm lý là gì? Khổ đau tâm lý là khi chúng ta nhìn thấy bạn bè, hàng xóm của chúng ta giàu có hơn ta, hạnh phúc hơn ta, ta ghen tị về điều đó, ta dằn vặt lương tâm vì sao ta không được như họ. Và đó là khổ đau
Rồi như chúng ta bị mắng, bị chửi, bị hạ thấp danh dự và chúng ta buồn khổ vì điều đó. Tại sao lại có những khổ đau này? Chúng ta cần phải hiểu nó để biết cách diệt trừ nó. Và rồi thì sao? Khi bạn đã không còn vướng mắc vào khổ, tâm bạn an nhiên, tự tại và phúc lạc. Niềm hạnh phúc mênh mang và hoan hỉ luôn ngự trị trong bạn. Đó là niềm hạnh phúc bất diệt mà luôn hằng hữu trong mỗi chúng ta. Chỉ là chúng ta luôn lăn lộn trong khổ đau và không nhận ra nó.
Vậy đâu là nguồn gốc của khổ? Có câu: tâm phân biệt sinh vạn vật. Chúng ta khổ là vì cái tâm phân biệt này. Chúng ta luôn tìm cách đặt tên cho từng sự vật, hiện tượng trong cuộc đời. Anh, tôi, cái cốc, cái bát, cái đũa… Mọi thứ đều có tên. Và cái sự bất như ý nó nảy sinh khi tâm chúng ta luôn phân biệt. Có những cái phân biệt thô và phân biệt vi tế. Để diệt được khổ chúng ta cần nhận diện và tiêu diệt chúng.
Ví như một đứa trẻ khi sinh ra, nó không có định nghĩa về thế giới, nó không biết thế nào là sáng, thế nào là tối, thế nào là yêu, thế nào là ghét, thế nào là giàu, thế nào là nghèo. Các bạn sẽ chỉ thấy chúng ngây ngô nhìn cuộc đời, ngây ngô nhìn mọi sự vật, hiện tượng mà không có đánh giá. Chúng là những thiên thần thật sự. Nếu chúng ta nhăn mặt hay khuôn mặt trở nên tức giận hoặc có lấy roi ra đánh bôm bốp lên giường dọa trẻ chúng cũng chỉ cười khúc khích vì chúng biết thế nào là sợ đâu? Chúng vui thích vì các hiện tượng lạ. Vì trẻ em chưa có tâm phân biệt nên chúng chẳng sợ chi hết, ngoài những tiêu cực ảnh hưởng lên thể vật lý của chúng thì chúng đâu có biết buồn.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta phân biệt mọi thứ. Và bởi vì chúng ta phân biệt mọi thứ nên chúng ta khổ. Có những cái phân biệt rất vi tế mà hầu hết mọi người đều không thể nhận ra hoặc cảm thấy nó quá bình thường và không còn để ý. Ví dụ như khi nghe cùng một bài hát do các ca sĩ khác nhau thể hiện bạn sẽ có bắt đầu đánh giá ca sĩ này hát hay, ca sĩ kia hát dở. Và nếu bạn bắt buộc phải nghe bài hát mà bạn cho là dở hơn các bài khác bạn bắt đầu nảy sinh cái tâm bất như ý. Khi bạn bất như ý, bạn khổ. Ban đầu bạn nghe bài A thấy rất hay, khi nghe bài A’ thấy hay hơn rất nhiều và không thể nuốt nổi bài A nữa. Ở đây bài A chỉ có vấn đề khi chúng ta đặt nó lên bàn cân so sánh với bài A’.
Xem xét kỹ hơn. Khi bạn lắng nghe 1 bài hát có nhiều loại nhạc cụ khác nhau, có đoạn hay và đoạn kém hay. Vì bạn có tâm phân biệt bạn đánh giá đoạn này hay hơn đoạn kia, nhạc cụ này hay hơn nhạc cụ kia. Tâm ý của bạn sẽ hướng vào cái bạn thích và những cái còn lại trôi qua như thể chúng không hề tồn tại.
Đối với người đã giác ngộ và nhận diện được khổ đau thì sao? Đối với họ nghe nhạc là một cái gì đó rất khác. Người thường thì nghe bằng tai, người giác ngộ nghe bằng toàn thân. Tại sao như thế? Người giác ngộ có một thân thể nhạy cảm và vi tế. Các tế bào trong thân thể của họ rung động cao hơn và có thể cộng hưởng với các sóng âm thanh truyền đến. Họ nghe và thấu triệt rõ ràng mọi nhạc cụ trong bài hát, cơ thể của họ rung động theo sóng âm thanh truyền đến (có thể ví họ như cái màng loa đang rung vậy). Họ không có đánh giá hay và dở, họ chỉ có cảm nhận về rung động nhanh hay chậm, cao hay thấp, thô hay vi tế mà thôi. Bởi vì thế họ cảm nhạc toàn phần thay vì một phần như mọi người vẫn thường làm.
Nói về khổ lại phải nói về sợ. Sợ hãi sinh ra khổ đau.
Một người có quyền chức thì phải lo giữ ghế của mình, sợ mất chức. Khổ
Người giàu có lo giữ gìn của cải vì họ luôn giữ gìn tiền của. Khi mất tiền họ khổ
Có những đồ vật bạn vô cùng yêu thích hoặc có giá trị về mặt tinh thần, vật chất. Khi mất chúng bạn khổ, bạn dằn vặt và đau đớn.
Tại sao lại như vậy. Chúng ta cần phải hiểu biết thấu triệt về thế giới này. Hiểu về mặt bản chất của nó để thoát khỏi khổ đau. Khi chúng ta sinh ra chúng ta không có gì, khi mất đi chúng ta không mang gì theo. Ấy là nói về vạn vật đều vô thường. Sinh rồi diệt, diệt rồi sinh. Chúng ta càng bám víu vào hình tướng chúng ta càng khổ. Bạn còn không biết đủ, biết hài lòng với cuộc sống hiện tại bạn còn khổ.
Vậy vạn vật là vô thường thì chúng ta nên bám víu vào điều gì. Khi bạn chết đi, bạn rời bỏ thân thể vật lý, chỉ còn linh hồn và khối nghiệp của bạn mà thôi (theo quan điểm phật giáo). Linh hồn vốn bất tử. Vậy tại sao chúng ta lại lựa chọn phát triển vật chất mà không phải là phát triển linh hồn?
Con người sợ nhất điều gì? Sợ chết. Nếu chúng ta biết rằng linh hồn là bất tử vậy cái chết chỉ là kết thúc một chu kì này và chuyển sang một chu kỳ khác. Vậy cái chết có gì đáng sợ? Cái đáng sợ là sự vô minh và khối nghiệp lực của bạn kìa.
Lại nói một người trước khi chết đi hay có hiện tượng hồi quang phản chiếu, bạn được nhìn lại cuộc sống của mình và những thời điểm quan trọng trong cuộc đời như xem một thước phim. Ai đã tạo ra điều này? Vâng thượng đế tạo ra điều này để chúng ta xem xét lại cả cuộc đời của mình xem chúng ta đã sống đúng với lương tâm chưa? Các bài học của chúng ta là gì? Và chúng ta đã học xong các bài học đó chưa? (Sự tiến hóa của linh hồn nhờ việc học các bài học trong cuộc đời mình để kiếp sau có một cái gọi là rút kinh nghiệm từ các đời sống trước).
Vậy khi cái chết đến tâm thái của bạn là gì? Bạn giãy giụa, chống cự lại nó hay bạn đón nhận nó? Điều này do chính tâm thức của bạn quyết định mà thôi. Khổ đau là do bạn chọn và hạnh phúc cũng là do bạn. Bạn càng chống cự bạn càng khổ đau. Tôi nói thế là nói về những cái chết bất khả kháng, còn cái chết do hoàn cảnh mà bạn nằm im chờ chết thì bạn chết chắc. Khi đối mặt tình huống nguy hiểm bạn có hoảng loạn không? Người giác ngộ thì không. Và bởi vì không hoảng loạn họ có sự minh mẫn phân tích để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất cho từng trường hợp. Nếu là bạn bạn chọn là người giác ngộ hay vô minh?
Các cụ có câu: sống sao chết vậy. Sống bạn khổ đau khi chết bạn cũng vẫn khổ đau vì bạn mang cái tâm phân biệt ấy đi theo khi chết. Trong quá trình chờ luân hồi chuyển sinh, bạn ăn năn đau khổ vì những điều khi còn sống. Bạn cảm thấy bất như ý, bất toại nguyện và bạn chìm trong đau khổ (người ta nói địa ngục là ý này)
Khi bạn không còn sợ chết liệu còn có điều gì khiến bạn hoảng sợ? Không có. Khi không còn hoảng sợ do có sự minh triết về cuộc sống này còn có gì làm khó được bạn? Không có. Vậy sự lựa chọn là gì? Bạn muốn khổ sở hay hạnh phúc, muốn thành công hay thất bại.
LỰA CHỌN LÀ Ở BẠN
Mỗi chúng ta đều có quyền tự do ý chí và quyền lựa chọn cuộc sống theo ý mình. Hãy lựa chọn khôn ngoan để có một cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng và viên mãn
Nguyện cho vạn vật được an lạc, hạnh phúc
Nguyện cho vũ trụ được thái bình, thịnh vượng.
Năm cũ sắp qua đi, chào đón một năm mới sắp sang với trăm ngàn biến động. Mọi người hãy bình an đón nhận nhé!
(ẢNH CHỐNG TRÔI BÀI)
You may view the latest post at
https://nongtrongngay.net/kho-va-thoat-kho-khoa-hoc-tam-linh/
Thức tỉnh tâm linh
© 2024, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )