“Rắn thần“ báo thù, hàng chục người theo nhau chết?

0

Theo quan niệm dân gian, khi cải táng mộ, nếu gặp rắn nằm trong mộ thì tối kỵ việc bắt, giết. Thế nhưng, những người trong một dòng họ ở Thị xã Chí Linh (Hải Dương) khi cải táng ngôi mộ tổ, gặp sự việc bất thường này lại có hành động “bất thường”: Bắt hai con rắn nặng cả ký lô lên làm… mồi nhậu.

Những chuyện lạ chưa thể giải thích từ đó cứ liên tiếp diễn ra trong dòng họ này. Chỉ trong một thời gian ngắn mà lần lượt những người trẻ chết tức tưởi, chết tai nạn vì những lý do cực kỳ lãng xẹt…

Đã phạm điều tối kỵ lại còn “trùng tang”?

Đầu những năm 2000, do mộ cụ tổ của cụ ông và cụ bà dòng họ nằm cách xa nhau, mộ của cụ bà lại bị người dân làm ruộng cuốc làm mất hết cả chân mộ dẫn đến nước ngập vào trong nên cả họ tiến hành họp những người cao tuổi trong dòng họ, bàn chuyện chuyển mộ cụ bà về gần cụ ông.

Người ta kể lại, khi thợ xây tiến hành đào đất để di dời mộ của cụ bà thì phát hiện trong ngôi mộ có một con rắn lạ, nặng khoảng nửa ký nằm ở độ sâu khoảng 1,5 mét, lạ lùng là mình rắn có màu đỏ như lửa. Tiếp tục đào mộ cụ ông, người ta lại tiếp tục phát hiện một con rắn hổ mang nặng đến một ký nằm ở trên đầu ngôi mộ. Theo lời kể lại, sợ nhất là cả hai con rắn trên đầu đều có mào hình chữ thập, nhìn kỹ thì thấy một con trên đầu có hình chữ “Thọ”, một con trên đầu có hình chữ “Phúc”.

Ảnh minh họa

 

Có lẽ người ta nghĩ ở khu vực cánh đồng ngập nước này, chuyện gặp rắn thì “thường như cơm bữa” nên không ai lấy làm lạ. Cánh thợ xây liền mang con rắn hổ mang đi bán lấy tiền uống rượu. Con rắn có màu đỏ rực còn lại thì ông Điền là người trong họ mang về nhà để ngâm rượu, nhưng sau đó vợ ông không cho ngâm nên ông mang ra ruộng thả đi.

Sau khi dòng họ di dời mộ cụ ông, cụ bà về với nhau, thời gian đầu mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, không có biến cố nào xảy ra. Bẵng đi một thời gian, vào khoảng năm 2007 vợ của ông trưởng họ bỗng nhiên bị bệnh đột ngột qua đời. Dân làng bỗng trở nên hoang mang hoảng sợ, kể từ đó câu chuyện về dòng họ bị “ma ám” bỗng trở nên xôn xao, náo động cả một vùng quê.

Người trong họ cho biết, sau khi vợ ông trưởng họ bỗng nhiên bị bệnh đột ngột qua đời, con dâu trưởng của người chết liền đi xem bói thì được cho rằng: Khi làm mộ, nếu phát hiện có rắn ở trong thì đó là điều thịnh vượng và không nên đào lên nhưng mọi người vẫn cố làm dẫn đến bị động mả, do đó các cụ “về bắt” dần con cháu trong họ và người đầu tiên “bị bắt” chính là vợ trưởng họ. Bên cạnh đó, thầy bói còn “phán” thêm: Do bà vợ trưởng họ bị “bắt” đúng vào giờ “trùng tang” nên cứ thỉnh thoảng các vị “thần trùng” lại về lấy con cháu trong họ xuống để làm phục vụ cho các “thần”.

Cả nhà theo nhau chết

Chẳng biết cái chết của bà vợ ông trưởng họ có liên quan gì tới việc “động mồ mả tổ tiên” hay “trùng tang” hay không, nhưng kể từ khi cô con dâu cả đi xem bói về thì hàng loạt người trong dòng họ không kể già trẻ, gái trai cứ thế chết dần chết mòn. Hơn một tháng sau, cả họ suốt ngày “bận bịu” vì tiễn đưa bốn người gồm: Cô, dì, chú, bác, cháu trong dòng họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Một điều trùng lặp khác khiến mọi người vô cùng lo sợ: Chỉ trong vòng có hơn nửa năm trời, ba vợ con của một gia đình trong dòng họ đang mạnh khỏe bỗng nhiên đổ bệnh rồi từ biệt mọi người về thế giới bên kia.

Trong vòng hơn một năm trời kể từ cái chết đầu tiên, tổng cộng gần chục người khác trong dòng họ cứ thế theo nhau chết, trong đó có những cái chết thuộc dạng lý do “cực dị”.

Cái chết của anh L.V. Ngãi (SN 1972) là một trong số đó, lạ đến mức khi nhắc lại cả người trong và ngoài cuộc vẫn ngơ ngác không biết giải thích như thế nào cho hợp lý. Đó là một buổi chiều giữa tháng 9/2009 vào giữa mùa rươi nổi, anh Ngãi cùng vợ chở nhau bằng xe đạp ra sông Bích Thủy bắt rươi.

Chị vợ kể lại: “Hôm đó, khi tới bờ đê sông anh Ngãi đưa điện thoại cho tôi, dặn đứng chờ rồi anh ấy bơi thuyền ra nơi bẫy rươi giữa sông”. Bóng anh Ngãi dần khuất trong bóng đêm giữa mênh mông sóng nước chỉ còn thấy leo lét ánh đèn pin. Đứng chờ trên bờ một hồi lâu, bỗng chị nhận được điện báo của anh chồng cũng đánh rươi cách đó vài trăm mét thông báo việc thấy đèn pin và chậu đựng rươi của anh Ngãi trôi lập lờ theo nước dòng mà không thấy người đâu.

Có chút sững sờ nhưng chị vợ cố trấn an suy nghĩ vì biết chồng lớn lên trên sông nước, bơi lội nhất nhì làng không thể có chuyện chết đuối. Nhưng đợi mãi, gọi mãi không thấy, chị mới tá hỏa hô hoán mọi người đi tìm giúp. Vạch từng bụi cỏ quanh sông, theo dòng vài km cũng không thấy động tĩnh gì. Lúc bấy giờ, không hiểu linh tính thế nào người anh trai nạn nhân mới giật mình nói rằng: “Nó vẫn ngồi đâu đây thôi”.

Quả thực, tất cả những người hôm đó sững sờ nhìn thấy thi thể anh Ngãi chợt bật lên khỏi mặt nước, xếp chân trong tư thế ngồi ngay cạnh mạn thuyền, không hề trôi đi dưới dòng nước đang cuồn cuộn chảy, trong khi không hề vướng mắc vào bất cứ vật cản nào. Nén lại đau thương và không thể giải thích được cái chết kỳ cục của nạn nhân, mọi người chỉ đoán già đoán non anh đã bị cảm đột ngột nên ngã đuối nước mà thiệt mạng.

Đúng ngày giỗ 100 ngày anh Ngãi, người anh trai cũng đột ngột qua đời ngay trong buổi sáng giỗ em.

Sáng hôm ấy, chị vợ anh dậy từ tinh mơ chuẩn bị gánh hàng cá đi chợ nhưng thấy chồng nằm im thin thít thì nhẩm nghĩ: “Chắc hôm qua đi làm nên mệt nhọc say giấc” và đã không đánh thức chồng. Sau khi chuẩn bị cơm sáng, đưa con đi học rồi đến khi tan chợ về nhà, chị vợ lấy làm lạ vì thấy chồng không đi dự giỗ trăm ngày em trai mà nằm bất động trên giường.

Nấu cơm xong, gọi dậy ăn nhưng anh chồng chỉ lắc đầu. Ngỡ chồng giận mình vì lý do nào đấy nên chị không nói gì. Đến tận chiều, cả nhà mới hốt hoảng về tình trạng của anh. Gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu, nhưng những dấu hiệu không lành về sức khỏe hiện tại của bệnh nhân đã báo trước cho dòng họ thêm một lần tang tóc. Anh trai anh Ngãi đã qua đời ít ngày sau đó tại bệnh viện Hải Dương sau cơn đột quỵ ấy.

Nỗi đau trong họ mạc, gia đình còn chưa chấm dứt khi hai anh em ruột lần lượt qua đời cách nhau 100 ngày mà không có lý do thì một sự lạ khác lại tiếp diễn. Đúng 100 ngày sau cái chết của người con thứ 2, mẹ đẻ của hai anh cũng đột ngột qua đời. Khăn tang trắng lại chồng lên khăn tang, chỉ hơn 9 tháng trời mà gia đình chịu cảnh chia ly người thân 3 lần.

Người trong họ kinh hãi, người trong thôn xôn xao. Thực hư không rõ như thế nào nhưng những sự lạ này cứ được đồn đại lên. Có người cho rằng “khi thấy người anh không dậy được thì mời thầy về cúng bái, cúng xong hôm sau nạn nhân bỗng tỉnh lại, nhưng kì quái là khi tỉnh dậy người này cứ đuổi bà vợ để cắn, rồi ngày hôm sau nữa thì chết”. Rồi chuyện lúc gia đình làm lễ gọi hồn người đó về hỏi thì người đó nhập hồn vào một người khác và cứ cười khanh khách: “Có phải một mình tao bắt đâu, thằng đấy nó khỏe lắm, tao phải gọi mấy người lừa lúc nó say rượu nên mới bắt được”.

Trước hàng loạt cái chết của mọi người, dòng họ liền tìm xuống một ông thầy ở Quảng Ninh để “cầu cứu” thì được người này phán rằng: “Dòng họ bị trùng tang nên cứ khoảng 100 ngày là lại có một người ra đi, nếu muốn thoát được thì phải nhờ thầy cao tay lập đàn giải hạn”.

Câu chuyện thật thứ hai :

Sự thật chuyện ‘rắn thần báo thù’ ở Hải Dương

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao chuyện hàng chục người trong dòng họ Lương trú tại thôn Bích Thủy, xã Văn Đức, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương liên tiếp tử vong do bị “rắn thần” báo thù. PV đã về tận địa phương để điều tra, xác minh vụ việc

Chuyện bắt đầu từ việc bắt được 2 con rắn trong mộ tổ

Chiều 17/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Văn Đức vô cùng bức xúc trước thông tin “rắn thần” hại người tại địa phương. Ông Tuấn khẳng định ngay, đây hoàn toàn là tin đồn thất thiệt và cho biết, thôn Bích Thủy có 448 nhân khẩu với 3 dòng họ chính là: Lương, Nguyễn, Đỗ. Trong đó, dòng họ Lương có 7 chi chiếm phần lớn dân số của thôn.

Năm 1998, Bích Thủy đã được công nhận là “Làng văn hóa” từ 2000-2011, họ Lương tại địa phương quả thực có 14 người chết. Song nguyên nhân tử vong do: tuổi cao (3 người), ung thư (2 người), xơ gan cổ chướng do uống nhiều rượu (4 người), TNGT (3 người), đuối nước (1 người) và bị điện giật (1 người)…

Về chuyện “rắn thần” hại người, Phó trưởng Công an xã Văn Đức – ông Đồng Thế Định lý giải: Vào khoảng đầu năm 2000, họ Lương thôn Bích Thủy có chuyển một ngôi mộ tổ (cụ bà) từ cánh đồng về nghĩa trang dòng họ. Quá trình đào đất để di dời mộ, các thợ xây phát hiện trong ngôi mộ có một con rắn cạp nia có trọng lượng khoảng 300g và một con rắn hổ mang nặng gần 1kg.

 

Đại diện dòng họ Lương và chính quyền địa phương trong buổi làm việc với PV

 

Rắn hổ mang sau đó được đem bán tại chợ Sao Đỏ với giá 500.000 đồng. Cánh thợ xây đem mua rượu uống. Còn con rắn cạp nia được ông Lương Văn Điền, một người trong họ mang về nhà để ngâm rượu. Tuy nhiên, do lo sợ rắn ở mộ rất độc và thiêng, vợ ông Điền đã buộc chồng mang thả ra đồng làng.

Việc chuyển mộ diễn ra bình thường, không có gì đáng nói. Mọi chuyện trở nên phức tạp từ đầu năm 2009 khi vợ của ông trưởng họ bị bệnh đột ngột qua đời. Vin vào cớ đó, một số kẻ đã phao tin rằng dòng họ Lương mạo phạm đến “cụ rắn thần” nên đã bị quả báo…

Lại có người đi xem bói thì được “phán” rằng: Bắt rắn trong mộ là cấm kỵ dẫn đến bị động mả. Các cụ đã về “bắt dần” con cháu xuống âm phủ để phục vụ. Từ đây, cả họ Lương, thậm chí cả làng Bích Thủy luôn sống trong không khí thấp thỏm, hoang mang lo sợ về những tai ương sẽ giáng xuống…

Đâu là căn nguyên của tin đồn quái ác?

Theo ông Lương Văn Tháp, 74 tuổi, một trong số các trưởng ngành của dòng họ Lương, Phó ban văn hóa làng Bích Thủy, xã Văn Đức, từ năm 2006, có khoảng 5-6 “đồng cô, đồng cậu” ở các vùng lân cận đã câu kết với một số người cuồng tín tại địa phương tung tin rằng, việc xây cổng đình quay vào làng là xui xẻo.

Họ còn “phân tích”: 2 ông voi chầu bức cuốn thư trước cửa đình là “rước voi về giầy mả tổ” động đến long mạch khiến cả làng gặp “đại hạn”, làm ăn lụi bại, dân làng phải làm lễ cầu siêu, tế lễ thần linh. Không ít người mê tín đã vội tin theo tổ chức quyên góp tiền, mua hình nhân thế mạng để cúng giải hạn với mức thu từ 50.000 – 100.000 đồng/hộ.

Thậm chí, họ còn vận động cả bà Dương Thị Dâu, 70 tuổi, Hội trưởng “hội qui” của làng để tổ chức một lễ cúng “hoành tráng” tại đình làng. Ngay lập tức, bà Dâu phản đối trò nhảm nhí này vì đình làng là nơi linh thiêng thờ những người có công xây dựng, bảo vệ quê hương. Khi nhận được thông tin trên, ông Tháp đã kiên quyết phản đối nếu các thầy cúng cố tình tổ chức sẽ thông báo cho chính quyền xử lý.

Bẵng đi một thời gian, dư luận địa phương xôn xao về việc gia đình ông Lương Văn Tài, SN 1933, có vợ và 3 con trai liên tiếp tử vong. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2000, bà Nguyên vợ ông Tài mất do bị bệnh tim kéo dài từ nhiều năm trước. Năm 2009, anh Lương Văn Ngãi, người con út trong gia đình cùng vợ ra sông Bích Thủy bắt rươi, thuyền bị lật khiến nạn nhân ngã xuống nước tử vong.

Tiếp đó, người con thứ của ông Tài là Lương Văn Quảng tử vong do bị cảm trong nhà tắm được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Sao Đỏ rồi chuyển lên Hà Nội nhưng đã tử vong sau đó 11 ngày. Mới đây, ngày 11/11, người con thứ 3 của ông Tài là Lương Văn Sơn cũng ra đi vì mắc bệnh xơ gan cổ trướng do uống nhiều rượu.

Trước việc những người thân lần lượt ra đi, ông Lương Văn Tài buồn rầu chia sẻ, rượu là kẻ thù của gia đình ông. Hầu hết, đàn ông trong làng đều nghiện rượu do thường xuyên lênh đênh đánh cá trên sông Đọ Xá… Khi được hỏi về thông tin “rắn thần báo thù” con cháu trong họ ông cho biết đây là tin đồn không đúng sự thật. Theo lý giải của ông, “hữu hình tất hữu họa” nghĩa là cuộc sống luôn có quy luật sinh – tử, thịnh – suy chứ không hề có chuyện rắn cắn báo thù.

Cùng chung quan điểm với ông Tài, ông Lương Văn Tháp còn nói rõ hơn: “Tôi là người trực tiếp trong việc bốc và di chuyển mộ cụ tổ về nghĩa trang dòng họ theo đúng phong tục, tập quán. Chuyện bắt được rắn là có, song những thông tin trên một tờ báo gần đây có hư cấu, không đúng sự thật. Tôi cũng có một người cháu đích tôn mất vì tai nạn giao thông.

Điều đáng nói là: Có nhiều kẻ xấu lợi dụng mê tín, dị đoan, tung tin đồn nhảm nhằm mục đích trục lợi như: xem bói, vận động mọi người góp tiền lập đàn cúng tế. Làng tôi đã hai lần được công nhận làng văn hóa tiêu biểu. Tôi rất mong báo chí lên tiếng để cảnh tỉnh những người dân còn mê tín, dị đoan và để ổn định ANTT cho thôn làng, không mắc lừa luận điệu của kẻ xấu lao vào việc cúng bái tốn kém tiền của, ảnh hưởng tới tâm lí, sức khỏe…”.

Như vậy, số người trong họ Lương ở thôn Bích Thủy, xã Văn Đức, thị xã Chí Linh, Hải Dương tử vong trong 11 năm qua chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và đều có nguyên nhân cụ thể chứ không phải “bí ẩn” như đồn thổi. Dư luận ở Hải Dương rất mong các cấp chính quyền, Công an huyện nhanh chóng họp dân, chấn chỉnh lại các hoạt động tôn giáo, tâm linh tại xã Văn Đức, không để những kẻ trục lợi bất chính tung tin bịa đặt

(Theo CAND)


 

 

© 2012, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Leave A Reply