Chích máu dái tai chữa đột quỵ, người đàn ông suýt gặp họa

Chích máu dái tai chữa đột quỵ, người đàn ông suýt gặp họa

Trung tâm đột quỵ Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, mới đây tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nam 66 tuổi (Lâm Thao, Phú Thọ) bị đột quỵ. Trước đó 2 tiếng, bệnh nhân đang đi lễ cùng vợ thì đột ngột xuất hiện mệt mỏi sau đó liệt hoàn toàn nửa người phải. Bệnh nhân được sơ cứu tại chỗ bằng cách chích máu dái tai.     

Sau đó, tình trạng của ông không cải thiện nên được đưa tới Trung tâm đột quỵ vào giờ thứ 3 của bệnh. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức chậm chạp, liệt hoàn toàn nửa người phải, nói khó, vị trí dái tai chảy máu.

Ngay lập tức, kíp trực khởi động quy trình cấp cứu người bệnh trong giờ vàng đột quỵ. Kết quả chụp chiếu xác định bệnh nhân không có xuất huyết não, không có hình ảnh tắc mạch lớn. Bệnh nhân được chỉ định tiến hành tiêu huyết khối đường tĩnh mạch.

Chích máu dái tai chữa đột quỵ, người đàn ông suýt gặp họa - 1

Chích máu đầu tay hay chích máu dái tai không phải là cách sơ cứu đột quỵ đúng (Ảnh minh họa: B.V).

Sau khi tiêu huyết khối tĩnh mạch, người bệnh dần dần cải thiện khả năng nói, trả lời các câu hỏi rõ ràng chính xác hơn, tình trạng liệt cải thiện từ liệt hoàn toàn nửa người phải đến tay phải có thể nắm chặt, tự chủ động co duỗi được chân phải.

Bác sĩ nhấn mạnh việc sơ cứu như chích máu đầu tay hay chích máu ở dái tai đã làm chậm trễ việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não bị chết nếu không được cung cấp máu và oxy. Cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết để lại khiếm khuyết thần kinh vô cùng nặng nề.

Xem thêm:   Nga Đặt Điều Kiện "Mở Van" Khí Đốt Cho Châu Âu

Vì thế, khi có triệu chứng đột quỵ, người bệnh cần nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế gần nhất một cách an toàn. 

Làm thế nào để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm?

Những dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất của đột quỵ gồm:

– Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, hãy yêu cầu người đó cười và quan sát. 

– Tay yếu hoặc tê (nếu bạn yêu cầu họ nhấc cả hai tay lên, một tay sẽ hạ xuống thấp hơn tay kia). 

– Các vấn đề về giọng nói như nói ngọng hoặc khó lặp lại một câu. 

Tuy nhiên, có một số triệu chứng khác có thể xảy ra mà bạn cũng nên chú ý:

– Đau đầu đột ngột và dữ dội.

– Chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hoặc phối hợp.

– Mất thị lực hoặc thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt, điều này thường xảy ra đột ngột.

– Cảm thấy bối rối hoặc gặp khó khăn trong việc hiểu những điều thường dễ dàng đối với bạn

– Tê hoặc yếu ở một bên cơ thể (hoặc ở một cánh tay hoặc chân). 

Bạn có nhiều khả năng bị đột quỵ nếu:

– Bị thừa cân, béo phì. 

– Hút thuốc. 

– Uống nhiều rượu.

– Bị cholesterol cao.

– Bị huyết áp cao. 

– Mắc một số bệnh như tiểu đường hoặc rung nhĩ.

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và tận hưởng lối sống lành mạnh có thể giúp giảm thiểu nhiều yếu tố rủi ro này. Kiểm tra huyết áp, mức cholesterol và các yếu tố khác có thể cho bạn biết liệu bạn có nhiều khả năng hình thành cục máu đông có thể gây đột quỵ hay không.

Xem thêm:   Trẻ em gái có thể mắc loại ung thư vú nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, với đột quỵ, thời gian cấp cứu là vàng, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Đến viện trong thời gian vàng, bệnh nhân sẽ được can thiệp sớm, đặt stent, dùng thuốc tiêu sợi huyết, phục hồi chức năng… Nhờ đó, nhiều người được cứu sống, không bị những di chứng do đột quỵ gây ra. 


Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/chich-mau-dai-tai-chua-dot-quy-nguoi-dan-ong-suyt-gap-hoa-20231219172529935.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *