Tay chân miệng tại Hà Nội vào đỉnh dịch: Triệu chứng nguy hiểm nhất

Tay chân miệng tại Hà Nội vào đỉnh dịch: Triệu chứng nguy hiểm nhất

Tay chân miệng tại Hà Nội vào đỉnh dịch lần một

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 12/4 đến 19/4), toàn thành phố ghi nhận 186 ca mắc tay chân miệng, tăng 25 ca mắc so với tuần trước đó. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã.

Theo nhận định, tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch.

CDC Hà Nội nhận định bệnh tay chân miệng có hai chu kỳ đỉnh dịch vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10.

Tay chân miệng tại Hà Nội vào đỉnh dịch: Triệu chứng nguy hiểm nhất - 1

Trẻ có tổn thương tay chân miệng điển hình (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Hiện thành phố bước vào đỉnh dịch tay chân miệng chu kỳ lần một, thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh và ổ dịch.

Không riêng gì Hà Nội, dịch tay chân miệng cũng nóng trên cả nước. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến nay cả nước có 13.746 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng hơn 3.000 ca so với số liệu Bộ Y tế công bố trong cuộc họp phòng chống dịch trực tuyến toàn quốc ngày 10/4.

Dấu hiệu “báo động đỏ”

Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71) là 2 nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp.

Trong đó, bệnh nhân nhiễm chủng virus EV71 thường sẽ có diễn biến nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Với các trường hợp diễn biến nặng, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Xem thêm:   TPHCM: Bé trai 2 tuổi lâm nguy sau khi ăn cháo cá lóc ngày Tết
Tay chân miệng tại Hà Nội vào đỉnh dịch: Triệu chứng nguy hiểm nhất - 2

BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Với các căn bệnh nhiễm virus cấp tính, tình trạng chuyển độ có thể tiến triển rất nhanh, gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Bởi vậy mà các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý tới các dấu hiệu của bệnh.

Trẻ mắc tay chân miệng thường có các dấu hiệu như:

– Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao).

– Tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

– Một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.

Khi trẻ có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ có các biểu hiện sau cần kịp thời đưa trẻ nhập viện điều trị:

– Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.

– Mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ…

– Giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút).

– Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân.

– Thở nhanh, thở bất thường (ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…).

– Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

4 lưu ý khi tay chân miệng phức tạp

Xem thêm:   Nhiễm virus Marburg chảy máu nặng, chết vẫn lây: Việt Nam có dễ bùng dịch?

Theo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, hiện tay chân miệng đang diễn biến phức tạp, các gia đình cần lưu ý:

– Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy con có các biểu hiện như lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, mông, gối… cần đi khám để xác định bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp.

– Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có nguy cơ có thể chuyển độ bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngay cả khi trẻ đã được khám, có chẩn đoán theo dõi bệnh tay chân miệng độ nhẹ được kê đơn điều trị ngoại trú, cha mẹ cũng cần theo dõi sát.

– Khi có bất kỳ dấu hiệu chuyển độ nào như: sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, quấy khóc vô cớ, nôn nhiều, giật mình nhiều, run/yếu chi,… hay các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế tái khám để được điều trị kịp thời.

– Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa đặc hiệu. Vì vậy, phòng lây nhiễm là rất quan trọng: hạn chế tối đa tiếp xúc giữa trẻ bệnh và trẻ lành, vệ sinh tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ, vệ sinh đồ chơi và dụng cụ dùng chung.


Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/tay-chan-mieng-tai-ha-noi-vao-dinh-dich-trieu-chung-nguy-hiem-nhat-20240424074216690.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *