Lời tòa soạn:

Nhà là nơi đầy ắp tình cảm yêu thương gia đình, là nơi bất cứ ai đi đâu cũng muốn quay về. Bởi nơi đó có bố, có mẹ, có những người ruột thịt, là người yêu thương ta vô điều kiện.

Báo VietNamNet mở diễn đàn Về nhà. Mời độc giả gửi tâm sự, câu chuyện của mình về địa chỉ: [email protected]

Tôi quê trong Nam, ra Hà Nội học đại học rồi kiếm việc, lấy vợ ở hẳn ngoài này. Mấy người em tôi, đứa ở TP.HCM, đứa ở miền Trung cát trắng. Nhớ nhau thì điện thoại, Zalo… nhưng bất kể thế nào vẫn không thích bằng những lần được về quê ngoại, vẫy vùng trên dòng sông mát mẻ hay chạy nhảy nô đùa hò hét suốt cả ngày.

Thế hệ của tôi vẫn hơi cổ. Nhớ những năm còn thơ dại, ngày nghỉ, ngày lễ, chúng tôi theo chân ba mẹ về quê ngoại. Ba tôi thường nói ông không có quê, nhà ngay trên thành phố. Nên sau này ông lấy mẹ tôi, quê ngoại cũng là quê nội, lũ con cháu chúng tôi chỉ có chỗ này để về.

Hồi xưa xa lắc xa lơ, đi xe đò cũng phải mất mấy tiếng mới về tới quê. Thời bấy giờ lấy đâu ra điện thoại để gọi báo cho ngoại. Nhưng ba mẹ tôi đều lắm. Năm nào cũng đúng “hai mùa”, tết Nguyên đán và lễ 30/4, là cả nhà về, không cần ai nhắc. Ngoại cũng cứ cái thời gian ấy sẽ chuẩn bị nào rau, nào thịt, nào quả, nào bánh cho các con, các cháu.

Xem thêm:   Tự chế pháo theo video mạng nhiều học sinh "mất Tết", nguy kịch vì bỏng
canhcalocnauchua.jpg
Ảnh minh họa: aFamily

Tôi từng thắc mắc mãi vì sao ngoại không lên thành phố ở cùng chúng tôi, nhưng không dám nói ra vì lỡ đâu lại làm ngoại buồn. Sau này, có lần mẹ tôi kể ngoại không chịu lên vì ở quê còn mồ mả ông cha, còn bàn thờ, mái nhà và rất nhiều thứ không thể bỏ lại phía sau.

Nói thực, bánh trái ở thành phố đâu có thiếu, thích ăn gì đều có, nhưng không hiểu sao cũng thứ bánh ấy, thứ quả ấy, nhận từ tay ngoại lại ngon đến thế, ngọt đến thế. Nước sông quê thì lúc nào cũng mát hơn hẳn so với bể bơi thành phố, tha hồ tắm táp, vùng vẫy cả ngày không biết chán.

Tôi là con đầu lòng của ba mẹ, từ cái thời ba mẹ còn phải bươn chải kiếm ăn từng bữa, nên luôn được ngoại ưu tiên. Năm tôi 8 tuổi mới có thằng Ba, rồi lần lượt con Tư, thằng Năm, con Sáu. Dù có thêm cháu, ngoại vẫn cho tôi nhiều bánh trái hơn. Nhiều khi tôi chia cho các em, rồi nhìn lại thấy vẫn còn rất nhiều. Ngoại lúc nào cũng thế, thương tôi nhiều hơn.

Vì thế, lúc bé tôi hay ỉ lại ngoại. Mỗi dạo ba mẹ bận kiếm ăn, tôi lại được đưa về quê, gửi ngoại. Tôi suốt ngày làm nũng, đòi ăn cái này, đòi ăn cái kia, ngoại đều đáp ứng. Nhiều khi tôi tự thấy mình hỗn hào, nhưng chưa bao giờ bị ngoại quát mắng. Ngoại nấu cơm cho tôi ăn, quạt cho tôi mát, ầu ơ cho tôi đi vào giấc ngủ với những cánh cò lả lơi…

Với tôi, ngoại không chỉ là ngoại, mà còn là ba, là mẹ. Tôi ở với ngoại, lần thì tuần, lần thì vài tháng. Các em tôi thi thoảng mới về ở với ngoại, nhưng lần nào cũng là về cùng ba mẹ, hết lễ lại trở về thành phố. Không hiểu sao, tôi cứ cảm nhận ba mẹ thương tôi không bằng các em. Sau này, tôi đi học ở ngoài Hà Nội nên tình cảm giữa tôi và ba mẹ càng không sâu sắc.

Ngoại nấu ăn khéo lắm, món nào cũng ngon, nhưng tôi ghiền nhất là canh cá lóc nấu chua. Ngoại thường nói, ở quê, nấu canh cá lóc muốn ngon phải tốn không ít công phu. Có thể bỏ cà chua, nhưng phải có đậu bắp, bạc hà, miếng thơm (dứa), giá đỗ và một vài thứ gia vị chỉ quê mới có. Ngoại nấu cầu kỳ lắm, bát canh ngọt, trong và thơm lừng.

Tôi ghiền món canh cá của ngoại, nên lần nào ngoại nấu, tôi cũng ăn thêm được vài bát cơm, nhiều hơn so với những món khác. Tôi bé loắt choắt như con dế nhỏ, nên thấy tôi ăn được nhiều, ngoại rất mừng. Lúc ba mẹ xong việc, trở về đón tôi lên thành phố, lại xuýt xoa “trời đất, ngoại nuôi thằng T. khéo ghê, mới có tháng mà trông mập dữ”.

Về nhà, ba bận kiếm tiền, mẹ lại không giỏi nấu nướng, tôi nhanh chóng sụt cân. Tới lúc về quê, ngoại lại than thở “sao ốm vậy con, toàn xương là xương không à, tội thằng nhỏ quá”. Mỗi lúc ngoại nói vậy, mẹ tôi lại quay mặt đi. Nghe ngoại kể, hồi chưa lấy ba tôi, mẹ nổi tiếng là đoảng. Nhưng ngoại chỉ có mình mẹ tôi, nên ngoại chiều mẹ tôi dữ lắm.

Mấy đứa em tôi cũng ghiền món canh này của ngoại, nên tôi không thể độc chiếm tô canh như lúc chỉ có một mình. Có bữa, chỉ vì chút nước canh cuối tô mà mấy anh em tôi chí chóe cả buổi.

chai bep2.jpg
Ảnh minh họa: Kiến thức

Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi và mấy đứa em đều gắn bó với quê ngoại. Lúc nhỏ thì phải chờ ba mẹ cho đi mới được đi, sau này lớn lên, chúng tôi tự rủ nhau mỗi khi rảnh. Chúng tôi lần lượt lên đại học, năm về thăm ngoại có một lần, thường vào dịp lễ 30/4 vì Tết tàu xe khó khăn. Tới khi chúng tôi lấy vợ lấy chồng, số lần về thăm ngoại càng ít hơn.

Vài năm trước, ngoại ốm một trận rồi đi trong vòng tay các con cháu và chòm xóm. Một ngày trước đó, tôi còn động viên ngoại giữ gìn sức khỏe để qua Tết ra Hà Nội chơi. Ngoại còn cười gật đầu, thế mà qua một đêm, tôi vĩnh viễn không còn ngoại.

Bao năm qua, tôi cứ mải mê học hành, đi làm kiếm tiền nên lần lữa mãi mới chịu kết hôn. Lần nào về quê, ngoại cũng hỏi “thằng T. bao giờ lấy vợ hả con, cho ngoại bế bồng đứa chắt”. Gặp lúc bận rộn, tôi nghe thấy bực, nhát gừng đáp lời ngoại. Ngoại im lặng không nói gì nữa, ngồi im nhìn xa xăm. Đến khi nhận ra, tôi lại chạy tới xin lỗi ngoại.

Hôm qua, bé Tư gọi điện hỏi 30/4 này tôi có đưa vợ con về quê không, tự dưng tôi bần thần cả người. Không thấy tôi nói gì, bé Tư lại bảo “về nha Hai, về em nấu canh cá lóc chua cho Hai. Chị Hai chắc cũng chưa ăn bao giờ, em nấu cũng được 50% của ngoại”. Tôi cười, em tôi mà nấu ngon thì chồng con nó đâu có ăn ngày 2 bữa ngoài tiệm.

Nhưng nghe bé Tư nói, tôi thực sự nhớ món canh chua của ngoại. Từ ngày ngoại mất, chúng tôi cũng ít về quê, và cũng đã lâu không còn giành nhau chút canh còn dư. Nhất định tôi sẽ về. Em tôi nấu không ngon, nhưng chắc phải được chút gì hương vị của ngoại, dù tí tẹo thôi, cũng đủ để tôi có thể cảm nhận được ngoại như vẫn còn ở đâu đây, dõi theo chúng tôi với tình yêu thương vô bờ bến.

Độc giả Trường T.