Vô Niệm – Vô Ngã, Khoa Học Tâm Linh
VÔ NIỆM – VÔ NGÃ
Định nghĩa: Vô là không, niệm là ý niệm. Vô niệm tức là đầu óc luôn ở trạng thái trống rỗng (điểm không) khi không có việc gì cần phải suy nghĩ.
Định nghĩa: Vô là không, ngã là bản ngã (cái tôi). Vô ngã là không còn cái tôi cá nhân, tức là xem mình và vạn vật là bình đẳng như nhau (giống một đứa trẻ).
Nếu bạn đạt được vô niệm thì tâm bạn luôn tĩnh tại, tâm tĩnh thì tuệ khởi. Tâm tĩnh vì không bị các dòng năng lượng tiêu cực quấy nhiễu, nên sẽ công tâm khi quan sát sự vật, hiện tượng. Từ đó mà các đánh giá, nhận định được khách quan hơn so với việc bị cảm xúc chi phối. Nên có thể nói vô niệm chính là trí tuệ và sáng tạo.
Còn nếu đạt được vô ngã bạn sẽ không còn nổi lên cảm xúc tiêu cực khi bị người khác hạ thấp, đánh giá hoặc phán xét. Bởi vì bạn có cần hơn ai đâu? Không hi vọng, mong cầu thì không thể thất vọng. Bởi chẳng có lo sợ bị người khác đánh giá nên bạn không cần phải “giữ kẽ” trong bất kỳ trường hợp, hoàn cảnh nào, khi đó bạn mới được là chính bạn. Bạn dễ vui, dễ cười, dễ hạnh phúc như một đứa trẻ vậy.
Người đạt được vô niệm (không phải 24/7) nhưng chưa chứng vô ngã, tức là có trí tuệ nhưng “cao cao tại thượng”, tức là luôn xem mình tài giỏi hơn người khác. Nét mặt lúc nào cũng nghiêm nghị, thâm trầm, trịnh thượng, mọi động tác, cử chỉ, lời nói đều rất chuẩn mực. Thậm chí cười còn không dám cười, vì cười nhiều e rằng sẽ mất uy với người khác. Như thế chắc chắn là khổ, sống lúc nào cũng phải để ý việc người ta nhìn vào mình, không thể vui cười thỏa thích thì hạnh phúc ở đâu? Chưa nói đến việc khi bị hạ thấp phẩm giá mà “ngoài sức chịu đựng” thì lửa giận bốc lên cũng không biết chừng.
Người chỉ có vô ngã mà không có vô niệm, tức là sống vô tư, hồn nhiên như một đứa trẻ nhưng đầu óc như mớ bòng bong. Cụ thể thì người này dễ bị thao túng, ai bảo gì cũng nghe cuối cùng thành rối luôn. Xã hội năm người thì mười ý, đầu óc một đứa trẻ thì đơn giản, cái gì cũng tiếp nhận nhưng không có khả năng xử lý, cái gì cũng nhồi vào nhưng đầu ra không có. Vậy nên nếu chỉ có một trong trong 2 yếu tố này thì đều sẽ mất cân bằng. Không thể có hạnh phúc tròn trịa, viên mãn.
Ngày xưa các bậc giác giả, tu hành muốn đạt đạo thường lên núi cao, rừng thẳm để thanh tu. Nơi đó yên tĩnh, không bị quấy nhiễu bởi ngoại cảnh nên tâm thanh tịnh, dễ dàng rơi vào điểm không mà dần dần trở nên có trí tuệ. Sau nhiều năm tháng công phu tu hành tinh tấn, đã giải tỏa được mọi khúc mắc trong lòng, thấu triệt cảnh đời thế gian thì sẽ “xuất sơn”, xuống núi hành đạo.
Đó là những người có lý thuyết nhưng chưa có thực hành. Tức là cần phải mang Đạo vào “cảnh” để thử tâm. Những người này vẫn còn bản ngã do chưa được khều lên nên cũng không biết là mình có bản ngã (vì chẳng có ai tác động đến họ). Bản ngã ở đây cũng có thể là cái tôi tâm linh, tức là khả năng tâm linh vượt trội, hơn người.
Khi “vào cảnh” cảm xúc tiêu cực nổi lên, lúc đó nếu không nhẫn, không làm chủ được cảm xúc (không giữ được tâm) mà để cảnh cuốn đi thì dần dần sẽ trở nên “mất Đạo”. Tâm động thì đạo mất đó là chuyện đương nhiên. Vậy nên nếu chưa qua thực chứng thì không thể nói mạnh được. Càng tập dượt trong “nghịch cảnh” nhiều thì cái tôi sẽ càng thấp xuống, dần dần sẽ chỉ còn những cái tôi “vi tế” khó lòng mà nhận ra. Nhưng cứ tĩnh lặng mà quan sát, quán chiếu thì rồi cũng hết. Hoặc nếu có minh sư chỉ điểm thì càng tinh tấn, mau lẹ.
Thời nay chúng ta tu giữa đời nên nguyên lý không giống xưa, học đến đâu thực hành đến đó. Gọi là đạo đời song tu. Tuy rằng khó khăn trùng điệp nhưng ngọc có mài mới sáng, lửa thử vàng, gian nan thử sức. Nếu có thể biết rõ con đường, lộ trình phía trước sẽ không sinh tâm hoài nghi, vướng mắc rằng liệu mình có đang “sai đường” hay không? Từ đó sẽ có quyết tâm vững mạnh mà đối diện với mọi nghịch cảnh, tự tin tiến bước. Độ khó các bài học luôn tăng dần đều và hoàn toàn ở “trong ngưỡng” chúng ta có thể chịu đựng được chứ không có cái gọi là “làm khó” thái quá.
Khi chứng được vô niệm và vô ngã thì bạn vừa có trí tuệ cao, lại vừa có thể làm một con người đơn giản, đạt được sự an lạc, hạnh phúc và đủ đầy từ nội tâm. Mà trong sao ngoài vậy. Tâm chuyển cảnh cũng chuyển. Hạnh phúc từ bên trong dần dần sẽ trở thành hạnh phúc ở bên ngoài. Bao giờ vô vi cũng đi trước hữu vi. Hãy luôn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp, rạng ngời phía trước.
Hoàng Nhật Minh.
You may view the latest post at
https://nongtrongngay.net/vo-niem-vo-nga-khoa-hoc-tam-linh/
© 2024, Nóng Trong Ngày. ( Theo : www.tintamlinh.com )