Thủ tướng: Tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai

Sáng 31/12, phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đến ngày cuối cùng của năm 2023 có thể khẳng định Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm.

Thủ tướng: Tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị sáng 31/12 (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, kết quả mà toàn ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, khẩn trương triển khai lập, trình phê duyệt toàn bộ các quy hoạch cấp quốc gia. Thủ tướng đánh giá, đây đều là các quy hoạch quan trọng có tính chất khai mở, dẫn dắt, làm nền tảng cho sự phát triển ngành, lĩnh vực.

Trong đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng nhưng là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở nước ta.

Toàn ngành đã chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, tài nguyên nước, số liệu về khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ngành đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích gần 7.000ha.

Xem thêm:   Cư dân mạng xôn xao về cặp rồng trước cổng công viên ở TPHCM

Sau 2 năm thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các địa phương đã ban hành tương đối đầy đủ văn bản triển khai, thực hiện với nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, thách thức trong giải quyết những vấn đề phát sinh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó Thủ tướng nhận định việc triển khai, thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bộc lộ một số vướng mắc; tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến như đất đai nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa; tiềm năng về kinh tế biển chưa được phát huy đầy đủ…

Về nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ và ngành quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội.

Thủ tướng: Tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai - 2

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị (Ảnh: Khương Trung).

Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên… Bộ phải xem đây là yếu tố quyết định để phát triển ngành, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Xem thêm:   Bộ Ngoại giao nói về triển vọng hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất và tổ chức triển khai thi hành luật ngay sau khi được thông qua, cùng với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Luật Địa chất và Khoáng sản cũng cần được tổ chức xây dựng để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội trong năm 2024.

Những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết được Thủ tướng yêu cầu cải cách mạnh mẽ, cắt giảm tối đa; phân cấp, ủy quyền tối đa.

100% thiên tai bão, lũ được giám sát, dự báo, cảnh báo kịp thời

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2024 sẽ tập trung trình Quốc hội, Chính phủ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp gần nhất; hoàn thành, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm đồng bộ, thống nhất và kịp thời.

Bộ này sẽ phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành. Vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.

Xem thêm:   Sắp xây dựng hầm đường bộ hơn 100 tỷ đồng ở Hà Nội

Đặc biệt, Bộ sẽ phấn đấu giải quyết căn bản tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên; chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2-3%. 

Các chỉ số thành phần môi trường sẽ được cải thiện, với mục tiêu trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp; 100% hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu 65% số trạm quan trắc khí tượng thủy văn được tự động hóa để từng bước hình thành mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện đại và tự động hoàn toàn, kết nối, chia sẻ số liệu với các nước trong khu vực, trên thế giới.

“100% thiên tai bão, lũ, được giám sát, dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy; hình thành mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn kết nối trong lưu vực sông Mê Kông; tăng cường năng lực giám sát môi trường, khí tượng thủy văn”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết.


Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-tap-trung-moi-nguon-luc-hoan-thien-du-an-luat-dat-dai-20231231131643072.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *